Thứ Tư, 19/8/2020 | 09:08 GMT +7

Vùng mỏ những ngày sục sôi Cách mạng Tháng Tám 1945

Cách mạng tháng 8/1945 ở Quảng Ninh thực sự là những trang sử chói sáng đầy tự hào. 75 năm đã đi qua nhưng dấu ấn về cuộc cách mạng mùa thu năm ấy vẫn còn in đậm trên quê hương Vùng mỏ, trên những di tích xưa hay qua biết bao câu chuyện kể của những nhân chứng lịch sử.

Vùng mỏ Quảng Ninh năm 1945 (khi ấy gồm tỉnh Hải Ninh và tỉnh Quảng Yên) nằm dưới quyền cai trị của thực dân Pháp. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Ngay sau đó, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành rộng rãi bản Chỉ thị lịch sử “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản Chỉ thị nhận định: cuộc đảo chính đã tạo ra ở Đông Dương “một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc”, làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa Đông Dương chưa chín muồi đang đi tới chín muồi nhanh chóng.

Ngày 14/8/1945, Nhật hoàng đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh. Sự kiện này đã chính thức kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thời cơ đã đến, từ Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Lời kêu gọi tổng khởi nghĩa năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: dangcongsan.vn

Ở khu vực Hải Ninh, tiếp nhận sự chỉ đạo của Trung ương, đồng chí Đào Phúc Lộc đã lập chi bộ Đảng và các tổ chức Việt Minh ngay từ năm 1942. Đầu năm 1945, Trung Hoa Quốc dân đảng từ bên kia biên giới tung lực lượng vào chờ thời cơ cướp chính quyền. Ngoài ra còn có bọn Việt Cách, đứng đầu là Vũ Kim Thành và bọn Việt Quốc, đứng đầu là Nguyễn Ái, đưa lực lượng rải khắp từ Móng Cái tới Ba Chẽ.

Trước tình thế đó, ngày 5/5/1945, các tổ chức Việt Minh ở Móng Cái đã dẫn đầu quần chúng các xã rầm rộ biểu dương lực lượng trên đường Hòa Lạc, làm nức lòng đồng bào và khiến các thế lực phản động phải chùn tay.

Ngày 8/6/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra tại Đông Triều. Lực lượng vũ trang cách mạng đã đồng loạt tấn công đánh chiếm các đồn Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh.

Đình Hổ Lao – nơi diễn ra cuộc mít tinh tuyên bố thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo ngày 8/6/1945. Ảnh: dongtrieu.quangninh.gov.vn

Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, chiều 8/6/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở đình Hổ Lao, xã Tân Việt, chính thức tuyên bố thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến khu Đông Triều hay Đệ tứ chiến khu) – một căn cứ địa quan trọng của vùng duyên hải Đông Bắc.

Tại đây không chỉ tập trung lực lượng cách mạng gồm nhiều tầng lớp nhân dân, hình thành những đơn vị vũ trang đầu tiên như Trung đội Ký Con, tiểu đội Phan Đình Phùng, mà còn xây dựng được những xưởng sản xuất vũ khí đầu tiên.

Vai trò của Chiến khu Trần Hưng Đạo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong Cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền ở Quảng Yên, Hải Ninh nói riêng, cả nước nói chung, vì trước thời điểm đó mặc dù phong trào cách mạng rất mạnh nhưng chưa có nơi nào đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thành công.

Từ Chiến khu Trần Hưng Đạo, lực lượng cách mạng tỏa đi các địa phương để lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh. Đến giữa tháng 7/1945, khi thế và lực của ta đã đủ mạnh, Ủy ban quân sự chiến khu quyết định tiến đánh để giành chính quyền tại tỉnh lỵ Quảng Yên.

Ban đầu thời gian dự định khởi nghĩa là ngày 23/7/1945 nhưng ngày 19/7/1945, bất ngờ bọn Quốc dân đảng từ Hải Phòng sang vào dinh Tuần phủ ép tỉnh trưởng Quảng Yên Nguyễn Ngọc Thanh trao chính quyền cho chúng.

Không thể để bọn Quốc dân đảng lộng hành, rạng sáng 20/7/1945, quân ta xuất phát tấn công. Tư lệnh Nguyễn Bình đã xông thẳng vào nơi bọn chúng, chĩa súng bắt tất cả đầu hàng và tuyên bố toàn bộ thị xã Quảng Yên đã nằm dưới sự kiểm soát của quân cách mạng. Ta thu toàn bộ vũ khí, gồm trên 400 súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự. Chiến thắng Quảng Yên đã có tiếng vang và ảnh hưởng khá rộng lớn. Đây là tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước được giải phóng – một dấu ấn đặc sắc trong Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ninh.

Ngày 19/8/1945, tin vui Hà Nội đã giành được chính quyền trọn vẹn như càng tiếp sức cho Vùng mỏ. Ngày 24/8/1945, tại Quảng Yên, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời của tỉnh đã ra mắt nhân dân.

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại tỉnh lỵ Quảng Yên sau ngày giải phóng 20/7/1945. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh

Ở Cẩm Phả và Hòn Gai, thời điểm đó bọn Việt Quốc – Việt Cách núp bóng quân Tàu – Tưởng và bọn thổ phỉ từ Ba Chẽ, Hoành Bồ tiến về định cướp chính quyền. Lực lượng cách mạng cùng nhân dân ở Cẩm Phả đã chủ động tiến hành khởi nghĩa vào ngày 12/8 và đến 27/8/1945, ta chính thức lập chính quyền Cách mạng lâm thời ở Cẩm Phả, Cửa Ông cùng hầu hết các đảo ở Cẩm Phả (trừ 2 đảo Vạn Hoa và Cô Tô đã bị bọn tàn quân Pháp quay lại chiếm đóng).

Quá trình giành chính quyền ở Cẩm Phả và Cửa Ông diễn ra khá phức tạp và đầy khó khăn, phải kết hợp cả chính trị và vũ trang. Nhưng ở Hòn Gai, Việt Minh đã giành được chính quyền bằng đấu tranh chính trị mà không có đổ máu, không một tiếng súng. Hai phe Việt Minh và Việt Cách thỏa thuận tổ chức một cuộc mít tinh tại sân vận động Hòn Gai vào ngày 28/8/1945. Phe nào được nhân dân ủng hộ bằng cách giơ tay nhiều hơn thì thắng cuộc, được lập chính quyền. Cuối cùng, bài diễn thuyết của phe Việt Minh đã được nhân dân ủng hộ nhiệt liệt.

Ở các huyện miền Đông, một số nơi tiến hành khởi nghĩa tự quản. Chính quyền cách mạng được thành lập ở Tiên Yên vào tháng 10/1945, ở Bình Liêu cuối tháng 11/1945, ở Đầm Hà tháng 2/1946, ở Hà Cối tháng 4/1946. Huyện Hải Chi (nay là huyện Ba Chẽ) là địa phương lập chính quyền muộn nhất, ngày 4/10/1946.

Ông Vũ Cẩm đã từng tham gia khởi nghĩa tự quản của thanh thiếu niên khu mỏ giành chính quyền ở Cẩm Phả ngày 12/8/1945.

Để có thể hình dung rõ hơn về giai đoạn cách mạng quan trọng của đất nước 75 năm về trước, chúng tôi đã đến tìm gặp ông Vũ Cẩm, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Khi Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, Vũ Cẩm (tên thật là Nguyễn Khắc Hàm) lúc đó mới 12 tuổi, đã theo cách mạng làm liên lạc Việt Minh tại thị xã Cẩm Phả, tham gia cuộc khởi nghĩa tự quản của thanh thiếu niên khu mỏ giành chính quyền ngày 12/8/1945.

Năm 1946, ông Vũ Cẩm gia nhập quân đội, là một trong những chiến sĩ đầu tiên của Đại đội Hồ Chí Minh của Vùng mỏ và được kết nạp Đảng khi mới 17 tuổi. Cho đến tận bây giờ, ký ức về những ngày cách mạng Tháng Tám không thể nào quên ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Và qua những câu chuyện kể của ông có thể hình dung phần nào sự cam go nhưng cũng đầy quyết tâm, cảm tử của cuộc cách mạng lịch sử đáng tự hào ấy.

Ông Vũ Cẩm và đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng – người lãnh đạo tổng khởi nghĩa 19/8/1945 tại Hà Nội

Ông kể: Thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, cả Vùng mỏ chịu cảnh sống trong nạn đói khi phát xít Nhật tàn bạo vơ vét hết thóc gạo, đánh đập hành hạ dã man người dân vô tội. Mỗi buổi sáng mở cửa ra là dẫm phải xác người chết. Tình hình xã hội vô cùng hỗn loạn. Lòng căm thù với phát xít Nhật, Pháp càng thêm sôi sục. Nó biến thành làn sóng khởi nghĩa mạnh mẽ mà không một lực lượng phản động nào dám ngăn cản và chống lại.

Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Vùng mỏ cũng như cả nước đã chặn đứng được nạn diệt chủng mà phát xít Nhật và thực dân Pháp đã gây ra cho nhân dân ta và là tín hiệu mở đầu cho sự tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – một chế độ mới với khẩu hiệu mới: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

Nhớ về những ngày cách mạng Tháng Tám 1945 hào hùng, nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta càng thêm biết ơn và trân trọng những thành quả mà các thế hệ đi trước đã đánh đổi bằng máu xương cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Và Vùng mỏ hôm nay vẫn đang vươn lên diệu kỳ từ truyền thống kiên cường, bất khuất đó để làm nên những kỳ tích mới.

Xuân Hòa

BÌNH LUẬN