Năm học 2020-2021, Trường Đại học Hạ Long đặt ra mục tiêu phấn đấu mở mới ít nhất 2 ngành đào tạo trình độ đại học, quán triệt phương châm “Lấy người học làm trung tâm”. Trường cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên (HSSV), thực hiện có hiệu quả, thiết thực phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
Tiết thực hành của sinh viên Khoa Thủy sản, Trường Đại học Hạ Long.
6 năm sau khi thành lập, Trường Đại học Hạ Long đã có những bước tiến đáng kể trong công tác đào tạo, tuyển sinh. Riêng năm học 2019-2020, nhà trường có 116 lớp các hệ cao đẳng, đại học, trung cấp, với tổng số 3.793 sinh viên, học sinh hệ chính quy. Tổng số HSSV trúng tuyển nhập học năm 2019 là 1.610 em, đạt 102,2% so chỉ tiêu, trong đó đại học là 827 sinh viên, đạt 109,5% chỉ tiêu; cao đẳng có 727 sinh viên, đạt 101% chỉ tiêu; trung cấp có 56 học sinh, đạt 56% chỉ tiêu.
Năm học vừa qua, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, hồ sơ đề án đăng ký và được Bộ GD&ĐT cấp quyết định cho phép đào tạo ngành ngôn ngữ Hàn Quốc trình độ đại học; xây dựng hồ sơ đăng ký đào tạo ngành Giáo dục tiểu học; Giáo dục mầm non trình độ đại học. Hiện chương trình đào tạo 2 ngành này đã được thẩm định. Trường Đại học Hạ Long còn mở rộng các loại hình đào tạo, trong đó đã mở và tuyển sinh đào tạo liên thông ngành Khoa học máy tính; xây dựng kế hoạch tuyển sinh liên thông các ngành đào tạo lĩnh vực Du lịch.
Đặc biệt, Trường Đại học Hạ Long cũng luôn chú trọng rà soát, điều chỉnh chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo trình độ đại học. Đến nay, 11/11 khung chương trình, bản mô tả chương trình đào tạo, bản mô tả học phần và đề cương chi tiết các ngành đào tạo trình độ đại học đã được cập nhật theo kế hoạch, lấy ý kiến rộng rãi trong các khoa và chuẩn bị cho việc nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ.
Sinh viên Trường Đại học Hạ Long học tiếng Anh với giảng viên người nước ngoài.
Đồng thời, Trường tiếp tục triển khai đề án Ngoại ngữ nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên đại học. Trong năm học 2019-2020, toàn trường có 3.000 lượt sinh viên hệ đại học không chuyên ngôn ngữ Anh thuộc diện thụ hưởng Đề án đã được bố trí học tiếng Anh theo đúng lộ trình. Kết thúc năm học đã có 291/361 sinh viên cuối khóa không chuyên ngôn ngữ Anh đạt chuẩn đầu ra về tiếng Anh ngay từ đợt xét đầu tiên (chiếm 79%, vượt chỉ tiêu đặt ra của Đề án).
Để chất lượng đào tạo được đảm bảo, nhà trường đã được tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng. Đối với các hạng mục công trình (giai đoạn 1) thuộc Dự án Trường Đại học Hạ Long – giai đoạn II, Trường đã hoàn thành công trình nhà giảng đường trung tâm 20 tầng, vượt 4 tháng so với kế hoạch đề ra đáp ứng nhu cầu sử dụng cho trên 3.000 HSSV, đảm bảo đưa công trình vào phục vụ năm học mới 2020-2021.
Tiết thực hành thí nghiệm của sinh viên Trường Đại học Hạ Long.
Với các hạng mục công trình (giai đoạn 2) thuộc Dự án Trường Đại học Hạ Long – giai đoạn II, Trường đã phối hợp triển khai đồng bộ thủ tục khởi công các hạng mục còn lại của dự án. Đến nay đã hoàn thành công tác phá dỡ hạng mục nhà đa năng, đang triển khai thi công các hạng mục công trình: Khu nhà thực hành du lịch kết hợp bể bơi và nhà 9 tầng, khối nhà học giáo dục thể chất – quốc phòng.
Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Năm học 2020-2021, Trường sẽ tiếp tục quán triệt phương châm “Lấy người học làm trung tâm”, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, phấn đấu, rèn luyện theo phương châm “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Bên cạnh đó là thực hiện đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá; triển khai phần mềm dạy học trực tuyến gắn với việc xây dựng nguồn học liệu điện tử.
Trường cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, tiếp tục triển khai hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên, gắn với việc thu hút các doanh nghiệp tham gia đỡ đầu cho hoạt động này. Thực hiện tốt việc gắn kết đào tạo với nhu cầu thị trường lao động, đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động trong đánh giá chất lượng đào tạo, trong thực hành thực tập và tiếp nhận HSSV sau khi tốt nghiệp…
Lan Anh (Báo Quảng Ninh)