Thứ Sáu, 30/8/2019 | 08:45 GMT +7

Trong bài báo cuối cùng, Hồ Chủ tịch vẫn căn dặn về công tác giáo dục

- Trong cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bao nhiêu lần đề cập đến giáo dục? Có thể đã hoặc sẽ có những con số thống kê. Song, dù có hay chưa thì không thể nói khác, đó là con số nhiều, rất nhiều.

Có thể nói cùng với độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cơm áo cho dân… thì giáo dục là lĩnh vực được Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm. Người từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Trong ba sự kiện mang tính lịch sử, phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Di chúc và bài báo cuối cùng, Hồ Chủ tịch đều nhắc đến giáo dục.

Tại buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt. Hồ Chủ tịch kêu gọi “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm”.

Việc xếp nạn đói lên trước bởi đây là thời điểm ngay sau nạn đói khủng khiếp năm 1945 làm hàng triệu người chết và vẫn đang để lại di chứng nặng nề, đe dọa trực tiếp đến số phận của hàng triệu người khác. Do đó, điều đầu tiên và cốt tử là phải diệt giặc đói để cứu mạng sống cho dân đã.

Song, muốn thắng giặc ngoại xâm mà trực tiếp khi đó là thực dân Pháp, một đế chế hùng cường thì không thể không có tri thức.

Còn trong Di chúc, theo người viết bài này, Người đã “gói” toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp cũng như khát vọng của mình bằng 43 từ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Trong tác phẩm “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục Thiếu niên, Nhi đồng” ngày 1.6.1969 và cũng là bài báo cuối cùng của Người trên báo Nhân Dân, Hồ Chủ tịch vẫn không quên nhắc nhở đến công tác giáo dục. Người viết:

“Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực.

Trước hết các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Các đảng uỷ đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên. Uỷ ban thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khoẻ mạnh và tiến bộ. Các tỉnh uỷ, thành uỷ cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt.

Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt” – Theo “Những bài báo của Bác Hồ trên báo Nhân Dân – Tập 3 – NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 2016”.

Đã 50 năm kể từ ngày Người đi xa (1969 – 2019) nhưng lời nói của Người, tình cảm của Người vẫn còn đây cho hôm nay và cho cả mai sau.

Bùi Hoàng Tám (dantri.com.vn)

 

 

BÌNH LUẬN