Thứ Tư, 18/9/2019 | 08:03 GMT +7

Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long: “Đưa kiến thức về địa danh Quảng Ninh vào giảng dạy sẽ tiếp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước”

Vừa qua, Trường Đại học Hạ Long đã phối hợp với Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh chủ trì hội thảo “Địa danh Quảng Ninh xưa và nay”. Hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề về khoa học và thực tiễn nghiên cứu, tìm hiểu, giảng dạy địa danh Quảng Ninh. Dự kiến, sau khi công trình được tổng kết nghiệm thu sẽ lồng ghép các nội dung về địa danh Quảng Ninh vào trong một số môn học của chương trình đại học tại Trường Đại học Hạ Long.

Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, đồng chủ trì hội thảo.

– Thưa Tiến sĩ, địa danh được hiểu ngắn gọn là gì?

+ Địa danh học là môn khoa học nghiên cứu về địa danh của một địa phương, một vùng địa lý hay của một quốc gia, bao gồm nguồn gốc, ý nghĩa, cách sử dụng và phân loại chúng. Kết quả nghiên cứu của bộ môn này giúp người ta trả lời những câu hỏi về nguồn gốc, ý nghĩa của những tên làng xóm, cầu cống, chợ búa, tỉnh thành… Ví dụ tại sao lại gọi là Quảng Ninh, Đông Triều, Yên Hưng, Cái Rồng, sông Cầm, núi Yên Tử, núi Bài Thơ, Vịnh Hạ Long, chùa Long Tiên?

Liên quan đến địa danh ở Quảng Ninh đã từng có các công trình đề cập, như: Đại Việt Sử kí toàn thư; Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn; Tìm lại dấu vết Vân Đồn Lịch sử của Đỗ Văn Ninh; Quảng Ninh lịch sử và danh thắng của Nguyễn Huệ Chi (1992); Quảng Ninh miền đất hứa của tác giả Đỗ Phương Quỳnh (1993); Địa chí Quảng Ninh (3 tập) của Tỉnh uỷ – Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (2001)… Những tác phẩm đó đã giới thiệu về địa danh làng xã, mô tả cảnh quan vùng đất, đề cập đến địa danh ở Quảng Ninh dưới góc độ văn hóa, địa lý, lịch sử và du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu một cách quy mô, toàn diện về địa danh tỉnh Quảng Ninh từ quá khứ đến ngày nay.

– Vậy theo Tiến sĩ, công trình nghiên cứu “Địa danh Quảng Ninh xưa và nay” của Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh có ý nghĩa như thế nào về mặt khoa học?

+ Theo tôi, đây là công trình rất cần thiết và hữu ích. Nếu cuối năm nay công trình được nghiệm thu và được xuất bản thành sách với 14.000 mục từ địa danh ở 186 xã, phường, thị trấn, 1.566 thôn, khu, phân loại địa danh theo 14 đơn vị hành chính cấp huyện, thì sẽ là công trình đầu tiên đề cập đến địa danh Quảng Ninh một cách hệ thống. Trước đây, chưa có cuốn sách nào giải thích vì sao cũng là một tên đất, tên làng, tên phường, tên phố… nhưng lại có nhiều cách hiểu khác nhau, lại có người suy diễn về xuất xứ của các địa danh nữa nên chẳng biết đúng, sai thế nào. Ví dụ như những cách hiểu khác nhau về nguồn gốc Vịnh Hạ Long chẳng hạn. Nghiên cứu địa danh ở Quảng Ninh cũng sẽ chỉ ra được dấu ấn của sự khai phá, nơi tiếp xúc với các tộc Bách Việt, hiểu được văn hoá của các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh như: Sán Dìu, Sán Chỉ, Tày, Dao… Địa danh cũng chỉ ra dấu ấn của người Pháp và sự giao lưu tiếp biến với văn hoá phương Tây trong quá trình người Pháp đến xâm lược và tổ chức khai mỏ, kỹ thuật đào lò, cả trong những sinh hoạt hàng ngày…

Việc khảo sát địa danh Quảng Ninh không đơn giản chỉ là công việc thu thập, thống kê, phân loại và mô tả các dữ liệu trên một số phương diện hình thức của bản thân địa danh mà phức tạp và khó khăn hơn nhiều, vì phải xem xét địa danh như một thể đa diện, đặt nó vào trường văn hóa thời đại và xuyên qua các thời đại để nghiên cứu. Do vậy, cần thiết phải xem xét, phân tích và lý giải đối tượng nghiên cứu trong mối quan hệ với những bình diện khác nhau có liên quan với nhau như vừa nêu, thì mới có thể có những kiến giải tương thích, thuyết phục với sự kiện khách quan.

Địa danh xét trong mối quan hệ tương tác với con người và cộng đồng đều hàm chứa trong nó những đặc điểm tạo nên tính bản thể của địa danh. Lấy ví dụ về một vài tên gọi các hang động quen thuộc trên Vịnh Hạ Long nhé. Thiên Cung là động ở núi Đầu Gỗ, dài khoảng 120m, rộng chừng 25m, cao độ 20m, được phát hiện trước thế kỷ 20 (căn cứ vào bút tích của một nhà thám hiểm ghi trong động năm 1901), mới được tái phát hiện năm 1992. Động nằm cách động Đầu Gỗ chừng 200m. Thiên Cung gốc Hán Việt là “cung trên trời” vì vẻ đẹp của động. Hang Đầu Gỗ là hang đá trên đảo cùng tên trên Vịnh Hạ Long, diện tích khoảng 500m2, cửa hang rộng chừng 17m, cao tầm 12m, nằm cách động Thiên Cung độ 200m. Đầu Gỗ là từ thuần Việt, vì đây được cho là nơi chứa những đầu gỗ thừa khi cắt ra để chuẩn bị cắm trên sông Bạch Đằng. Có người lại cho rằng vì đỉnh núi giống đầu một cây gỗ súc nên có tên trên. Cũng có người cho rằng tên gốc là Dấu Gỗ (Giấu Gỗ) vì đây là nơi giấu các khúc gỗ trước khi đem cắm ở sông Bạch Đằng. Sửng Sốt là động trong đảo Bồ Hòn ở Vịnh Hạ Long. Người Pháp gọi là Les Surprises (ngạc nhiên). Động gồm 3 khoang, diện tích độ 10.000m2. Sửng Sốt là từ thuần Việt, nghĩa là ngạc nhiên vì vẻ đẹp tuyệt vời của động. Việc tiếp cận và xác định nghĩa, đằng sau nó là lịch sử, văn hóa, xã hội của 3 địa danh trên cần phải tương thích với các đặc tính khách quan, tính bản thể của địa danh. Có như vậy, tính chất khoa học cũng như tác dụng thực tiễn của địa danh Quảng Ninh sẽ ý nghĩa và hữu dụng hơn.

Các đại biểu về dự hội thảo “Địa danh Quảng Ninh xưa và nay” (TS Hoàng Thị Thu Giang áo xám, đứng giữa hàng trước)

– Trong chương trình giảng dạy tại Đại học Hạ Long, địa danh Quảng Ninh được đưa vào những nội dung gì, thưa Tiến sĩ?

+ Trong chương trình đào tạo một số ngành trình độ đại học tại Trường Đại học Hạ Long, đã có một số học phần có tìm hiểu, thông tin về địa danh Quảng Ninh, như: Địa chí Quảng Ninh, Lịch sử địa phương, Văn học Quảng Ninh, Thực hành hướng dẫn du lịch Quảng Ninh, Một số lễ hội truyền thống tiêu biểu Quảng Ninh.v.v. Việc lồng ghép này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa về nhận thức, tư duy, về văn hóa, lịch sử địa phương, dân tộc, góp phần nâng cao lòng yêu quê hương, đất nước cho sinh viên.

Việc đưa các nội dung về địa danh Quảng Ninh vào giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long, chúng tôi đã được tính đến 3 phương án. Phương án 1: Xây dựng học phần địa danh học hoặc địa danh Quảng Ninh với lượng tín chỉ phù hợp (2 tín chỉ) đưa vào giảng dạy tại nhà trường cho sinh viên các khoa: Du lịch, Văn hóa, Sư phạm, Ngoại ngữ. Phương án 2: Dạy học tích hợp, đưa nội dung kiến thức của địa danh học, địa danh Quảng Ninh xưa và nay vào các môn học có liên quan, như Địa chí Quảng Ninh, Lịch sử địa phương, Văn học Quảng Ninh, Thực hành hướng dẫn du lịch Quảng Ninh, Một số lễ hội truyền thống tiêu biểu Quảng Ninh.v.v. Phương án 3: Dạy học chuyên đề cho sinh viên một số ngành cần thiết có kiến thức địa danh học, địa danh Quảng Ninh như ngành du lịch, văn hóa, sư phạm, ngoại ngữ.v.v.

Sinh viên các ngành văn hóa, du lịch có thể tiếp cận nhiều thông tin bổ ích liên quan đến địa danh. Trong ảnh: Một giờ học của Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long.

– Trong các phương án vừa nêu, phương án nào khả thi nhất, thưa Tiến sĩ?

+ Trên thực tế, các phương án 2 và phương án 3 có tính khả thi cao. Những bài giảng được tích hợp vào chương trình đào tạo hoặc những bài giảng chuyên đề (có thể mời chuyên gia về giảng dạy) về địa danh học, địa danh Quảng Ninh sẽ mang lại hiểu biết, sự thông tỏ hơn về đất và người Quảng Ninh, về quá khứ và hiện tại, từ đó, tiếp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước, ý thức giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa, giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Hơn nữa, có thể kỳ vọng, từ những nhiệm vụ học tập trong quá trình tiếp thu tri thức, sinh viên vừa được củng cố kiến thức, kĩ năng chuyên ngành, vừa được bồi đắp thêm hiểu biết về lịch sử, văn hóa, lại có thể chung sức quảng bá địa danh Quảng Ninh vượt ra khỏi phạm vi địa phương, vùng miền, đất nước.

Chẳng hạn như sinh viên khối ngành văn hóa, du lịch có thể  thiết kế những bài thuyết trình vừa có hình ảnh, vừa có chú giải thông tin về địa danh cụ thể, thể hiện chiều sâu văn hóa, hiểu biết. Xa hơn nữa, trên cơ sở các tài liệu đã có về địa danh Quảng Ninh, sinh viên du lịch, văn hóa có thể thực hiện được việc hệ thống hóa, sơ đồ hóa các địa danh thành nhóm “địa danh du lịch văn hóa Quảng Ninh”, kết nối các địa danh – các vùng đất theo một hành trình ý nghĩa, giá trị.

– Cám ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!

theo Phạm Học (Báo Quảng Ninh)

BÌNH LUẬN