Đó là quyết định của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh chiến dịch về thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc".
Theo mệnh lệnh đã phổ biến ngày 14 tháng 1, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định dùng ba mũi tiến công từ ba hướng, thọc sâu vào tập đoàn cứ điểm, từ đó chia địch ra từng mảng để tiêu diệt trong một thời gian ngắn theo phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Thời gian nổ súng ấn định lúc 17 giờ ngày 20 tháng 1 và trận đánh sẽ kết thúc khoảng ba đêm, hai ngày.
Đến ngày 20, do pháo của ta kéo vào chiếm lĩnh trận địa không kịp, thời gian nổ súng được hoãn đến 17 giờ ngày 25 tháng 1. Nhưng bỗng có một chiến sĩ ta bị địch bắt, để tránh lộ kế hoạch tác chiến, thời gian nổ súng lại được lui đến 17 giờ ngày 26 tháng 1.
Nhưng đến giờ đó, Bộ chỉ huy chiến dịch lại quyết định hoãn cuộc tiến công! Các đơn vị lựu pháo và pháo cao xạ được lệnh kéo pháo ra vị trí tập kết ban đầu, bố trí lại. Các đại đoàn bộ binh được lệnh tiếp tục chuẩn bị thêm thế trận bao vây tiến công theo phương châm: “Đánh chắc, tiến chắc”. Riêng Đại đoàn 308 phải rút khỏi trận địa phía Tây Mường Thanh, hành quân cấp tốc sang Thượng Lào cùng bộ đội bạn tiến công, truy kích địch trên phòng tuyến sông Nậm Hu…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ với Bác Hồ và các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh
Nguyên nhân vì sao lại có sự thay đổi bất ngờ đó? Nhiều năm qua, đã có nhiều sách, báo trong nước và nước ngoài phân tích sự kiện này dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Qua đó có nhiều khía cạnh nói chưa hết, thậm chí nói sai dẫn đến đánh giá chưa đúng!
Giờ đây để nói đúng sự thật, tôi tìm đọc rất kỹ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về Điện Biên Phủ. Tôi tìm gặp nhiều đồng chí cán bộ đã có mặt trong Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên năm xưa, nghe các đồng chí kể rõ thêm và tôi đã tìm được câu trả lời:
Thực tế chủ trương “Đánh nhanh, thắng nhanh” là đề nghị của bộ phận đi trước chuẩn bị chiến trường, do đồng chí Hoàng Văn Thái, tham mưu trưởng chiến dịch phụ trách. Vì lúc đó ở Điện Biên Phủ, địch mới có 11 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội 10 chiếc xe tăng và 14 chiếc máy bay thường trực ngay sân bay Mường Thanh. Chúng đang ra sức xây dựng công sự, nhưng chỉ là công sự dã chiến. Về phía ta đã có mặt tại Điện Biên Phủ trên 30 tiểu đoàn bộ binh của 4 đại đoàn chủ lực; 6 tiểu đoàn pháo binh; 1 tiểu đoàn súng cối 1201y; 2 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly; trên 100 khẩu súng máy phòng không 12 ly 7 và 1 trung đoàn công binh; trên 3 vạn dân công và thanh niên xung phong. Bộ đội ta đều sung sức, tinh thần lập công rất cao. Đặc biệt lần đầu ta có các đơn vị lựu pháo 105 1y và pháo cao xạ 37 ly tham gia chiến dịch, sẽ tạo ra thế bất ngờ rất lớn!…
Nhưng trong hồi ký “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Khi nghe anh Hoàng Văn Thái nói lần đầu ở Tuần Giáo về khả năng “Đánh nhanh, thắng nhanh”, tôi đã cảm thấy làm như vậy là quá mạo hiểm… Tôi thấy cần tìm hiểu thêm tình hình. Bộ đội còn mất một thời gian làm đường kéo pháo. Trong thời gian đó, chắc chắn địch cũng củng cố thêm công sự và còn có khả năng tăng thêm quân. Ngay bây giờ đánh nhanh đã khó, rồi đây hẳn càng khó… Tôi thấy cần gặp Trưởng đoàn cố vấn quân sự bạn, hy vọng sẽ có sự đồng tình”..
Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên phiên dịch Trung văn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ, kể: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang gặp ông Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, nói: “Tôi với anh đã bàn ở hậu phương dự kiến “đánh chắc, tiến chắc”. Ta đã báo cáo Bác Hồ và Trung ương là đánh 45 ngày. Giờ đây anh em định giải quyết trong 3 đêm, 2 ngày, anh tính sao?”… Ông Vi là người thận trọng, nhưng cũng bảo: “Tôi thấy anh Mai Gia Sinh và anh Hoàng Văn Thái đi nghiên cứu cả tháng trời rồi. Đúng là có khi phải đánh nhanh, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội…”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết tiếp trong hồi ký của ông: “Tôi vẫn cho rằng đánh nhanh không thể giành thắng lợi, nhưng chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn. Cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, tôi đồng ý triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu…”.
Ngày 14 tháng 1 năm 1954, mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên một sa bàn lớn tại hang Thẩm Púa, cách Điện Biên Phủ 65 ki lô mét.
Đại tá Hoàng Minh Phương, kể: “Sau khi phổ biến mệnh lệnh chiến đấu xong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hỏi: “Có ai thắc mắc gì không?”. Không có ai thắc mắc. Cố vấn Mai Gia Sinh đề nghị: “Chiều 20 tháng 1, ta bắn cấp tập 2 nghìn viên đạn pháo 105 ly làm tê liệt pháo binh địch, sau đó chuyển làn yểm hộ cho bộ binh xung phong. Đại đoàn 308 theo kế hoạch, xông qua cánh đồng Mường Thanh vào Sở chỉ huy địch. Đại đoàn 312 đột kích từ hướng Bắc. Đại đoàn 316 đột kích vào hướng Đông, nơi có những cao điểm trọng yếu…”. Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái thận trọng, hỏi: “Đường chưa mở, sao đưa pháo vào kịp?”. Ông Mai Gia Sinh giải thích chỉ cần mở đường Tuần Giáo đi Mường Thanh cho xe ô tô kéo pháo, cách Điện Biên 12 kilômét thì dùng sức người kéo pháo vào, sẽ tạo nên yếu tố bất ngờ… Ông Mai Gia Sinh nêu rõ: Ta xông vào đêm trước, sáng hôm sau đánh xen kẽ với địch, máy bay nó không dám ném bom, vì chết ta thì nó cũng chết…”
Kết thúc hội nghị, như để chuẩn bị tư tưởng cho bộ đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói: “Nay ta đánh theo phương án này, nhưng trong quá trình chuẩn bị cần chú ý theo dõi nắm vững tình hình địch, để khi địch có thay đổi, ta phải kịp thời xử trí…”.
Tôi ngồi dịch cho cố vấn nghe, trước mặt ba quân. Đại tướng không có biểu hiện gì do dự, căng thẳng cả. Nhưng ông vẫn có vẻ không xuôi cái phương án đánh nhanh này!”.
Quả nhiên mỗi ngày sau đó, tình hình địch đều có nhiều thay đổi. Đồng chí Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ, kể: “Đêm 22 tháng 1 , tôi nhận được tin: “Địch đã biết rõ kế hoạch của ta đánh Điện Biên Phủ”. Sáng 23, sau khi tập hợp tin tức tình báo cả đêm, tôi trực tiếp báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chuyện địch đã có được kế hoạch cụ thể của ta đánh ở đâu, ngày giờ nào, cách đánh như thế nào… Đại tướng nghe báo cáo không phải đã tin ngay. Ông ra lệnh cho tôi phải trực tiếp kiểm tra lại tin này, không được qua báo cáo. Bên Cục Bảo vệ, đồng chí Phạm Kiệt cũng phải trực tiếp kiểm tra tin từ tù binh địch bị ta bắt. Bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng trực tiếp xuống tận lán của bộ phận tình báo kỹ thuật, yêu cầu nguời thu đuợc tin địch trả lời cụ thể…
Xoay chuyển cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” là công lao của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Tôi ra sát Điện Biên Phủ dùng ống nhòm và tai nghe để kiểm tra tình hình, thấy địch vẫn đang tiếp tục nhảy dù và thả thêm nhiều vũ khí, trang bị. Chúng vẫn cũng cố vững chắc thêm các cứ điểm… Đến chiều, tôi tổng hợp tình hình báo cáo Đại tướng. Tôi vẫn khẳng định địch đã biết rõ kế hoạch tác chiến của ta và chúng đã có kế hoạch cụ thể chuẩn bị đối phó. Đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục bảo vệ đi kiểm tra tin từ tù binh địch bị ta bắt, cũng xác định thêm tin này. Đặc biệt tin Đại đoàn 312 có một chiến sĩ ta bị địch bắt, tôi cứ nhấn mạnh về kế hoạch của ta đã bị lộ. Đại tướng nghe xong không kết luận gì, ông chỉ nói: “Báo cáo thế là đuợc rồi”. Nhưng ông ra lệnh cho tôi không được báo tin này với bất kỳ ai, nhất là các cố vấn Trung Quốc…”.
Đại tá Hoàng Minh Phương, kể: “Ngày 23 tháng 1, đồng chí Phạm Kiệt đi theo dõi đơn vị kéo pháo gọi điện về Sở chỉ huy báo cáo Đại tuớng Võ Nguyên Giáp với nhận xét: “Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải. Một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa. Nếu ta đánh, địch phản kích bằng pháo binh và không quân, thậm chí xe tăng nó sục ra, ta sẽ khó tránh khỏi tổn thất..”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao ý kiến của đồng chí Phạm Kiệt. Ông cho rằng đây là cán bộ đầu tiên và cũng là duy nhất dám nói sự thật khó khăn…”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết tiếp: “Đêm 25 tháng 1, tôi không sao chợp mắt, đầu đau nhức… Tôi đã hiểu vì sao mọi người đều lựa chọn phương án đánh nhanh… Lý do chính là e thời gian chuẩn bị kéo dài, địch sẽ tăng thêm quân, tập đoàn cứ điểm ngày càng mạnh, sẽ làm ta mất thời cơ tiêu diệt địch! Đặc biệt mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Nhưng sức mạnh tinh thần cũng có giới hạn… Chúng ta không thể giành chiến thắng bằng bất cứ giá nào, mà phải giữ vốn liếng cho cuộc chiến đấu lâu dài”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích ba khó khăn hiện lên rất rõ: “Thứ nhất: Bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là Tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc, như ở Nghĩa Lộ… Thứ hai: “Trận này lần đầu ta đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn mà chưa qua diễn tập. Thứ ba: “Bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm đánh công kiên ban ngày trên địa hình bằng phẳng với kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 18km, rộng từ 6 đến 8km… Tất cả mọi khó khăn đó đều chưa được bàn bạc kỹ và tìm cách khắc phục…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Tôi nhận thấy phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác, dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh”, sang “Đánh chắc, tiến chắc”… Ngoài công tác chuẩn bị đánh địch ở Điện Biên Phủ, bộ đội ta cần có những hoạt động tạo nên bất ngờ mới cho địch. Tôi nghĩ trước mắt hãy điều ngay một cánh quân sang Thượng Lào thu hút quân địch về hướng này, có thể quét sạch hành lang Điện Biên Phủ – Luông Prabăng chúng mới lập ở lưu vực sông Nậm Hu. Và cần nhắc Liên khu 5 triển khai nhanh chiến dịch ở Tây Nguyên…”
Đại tá Hoàng Minh Phương, kể: “Sáng sớm ngày 26 tháng 1 năm 1954, trước khi họp Đảng uỷ Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, nói: “Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm, phòng ngự kiên cố. Vì thế không thể đánh theo kế hoạch đã định..” Ông nói tiếp ba khó khăn lớn của bộ đội, rồi kết luận: “Nếu đánh là thất bại!”
Cố vấn Vi Quốc Thanh, hỏi: “Ý Võ Tổng thế nào?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói: “Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc!”…
Sau giây lát suy nghĩ, cố vấn Vi Quốc Thanh cũng nói: “Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn…”.
Cuộc họp Đảng uỷ Mặt trận được triệu tập ngay sáng 26 tháng 1. Đảng ủy trao đổi hồi lâu vẫn chưa đi tới kết luận. Cuộc họp tạm dừng…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết tiếp: “Khi cuộc họp tiếp tục, tôi nói: “Tình hình rất khẩn trương, cần sớm có quyết định. Trước khi tôi ra đi, Bác Hồ đã trao nhiệm vụ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Nay với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: Nếu đánh, có chắc thắng trăm phần trăm không?”.
Mọi người đều tỏ ra phân vân và “lát sau, Đảng uỷ đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục”. Tôi kết luận: Quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ vẫn giữ vững. Nhưng để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Tôi ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra… Tôi phân công anh Hoàng Văn Thái ra lệnh cho các đon vị bộ binh, tôi ra lệnh cho pháo binh và trao nhiệm vụ mới cho Đại đoàn 308… hướng sang Luông Prabăng tiến quân. Dọc đường gặp địch tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt… Chú ý giữ vững lực lượng, khi có lệnh phải trở về ngay… Đồng thời tôi chỉ thị cho một bộ phận nhỏ mang theo máy vô tuyến điện đi về phía Mộc Châu, mỗi ngày ba lần đánh điện báo cáo: “Đại đoàn 308 đã về tới X, Y…”. Điện mật xen đôi tiếng không dùng mật mã… làm cho địch tưởng Đại đoàn 308 đã rời Điện Biên Phủ, quay về đồng bằng. Ngay tối hôm đó, tôi không dùng điện đài mà viết thư cho xe chạy hỏa tốc về đề nghị Bộ Chính trị và Bác Hồ cho chuyển sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, quyết giành thắng lợi, nhưng chiến dịch sẽ phải kéo dài, cần khắc phục những khó khăn lớn về hậu cần…”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viết: “Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình…”.
Và chỉ mấy ngày sau, Sở chỉ huy chiến dịch đã nhận được điện tối khẩn trả lời: “Bộ Chính trị và Bác Hồ phê chuẩn chủ trương của Đảng uỷ Mặt trận chuyển phương châm tác chiến sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ động viên lực lượng toàn dân chi viện cho tiền tuyến, quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ”…
Từ “Quyết định khó khăn nhất” ngày 26 tháng 1 năm 1954 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã làm xoay chuyển hẳn tình thế cho ta giành quyền chủ động cả về đấu trí và đấu lực với kẻ thù tại Mặt trận, trở thành Quyết định đã quyết định chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử…
Đại tá Nguyễn Xuân Mai
Chiến sĩ Điện Biên Phủ
nguyên Tổng biên tập Báo Cựu Chiến binh VN
nguyên Tổng biên tập Báo Phòng không-Không quân
(Theo: dantri.com.vn)