Thứ Hai, 29/7/2019 | 15:43 GMT +7

Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIII – Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Để có cơ chế đủ mạnh, tạo ra những đột phá trong nâng cao chất lượng công tác đào tạo của tỉnh, thu hút sinh viên giỏi về học và làm việc tại địa phương sau khi tốt nghiệp, tại Kỳ họp thứ 13 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2019 của HĐND tỉnh khóa XIII, UBND tỉnh có Tờ trình về chính sách thu hút sinh viên vào học một số lĩnh vực đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc làm việc với Trường Đại học Hạ Long, tháng 4/2019.

Quảng Ninh xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được so với kỳ vọng đặt ra. Đặc biệt là nhân lực của tỉnh hiện đang thiếu về cả lao động có tay nghề cao và đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi. Một trong số nguyên nhân cơ bản được xác định là do chất lượng đào tạo nhân lực tại chỗ của tỉnh; môi trường thu hút đối với các sinh viên có chất lượng đến Quảng Ninh học và làm việc sau khi ra trường còn hạn chế, chưa tạo được sức hút lớn so với các địa phương có truyền thống mạnh trong nước…

Đại học Hạ Long là trường đại học đầu tiên và duy nhất hiện nay thuộc tỉnh. Trường được giao sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường ổn định và phát triển, cùng với những chính sách hỗ trợ, khuyến khích học tập theo quy định hiện hành của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành một số chính sách đặc thù.

Có thể khẳng định, chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ, khuyến khích học tập đối với sinh viên Trường Đại học Hạ Long đã giúp nhà trường vượt qua khó khăn trong những năm đầu mới thành lập. Chỉ tiêu tuyển sinh luôn đảm bảo; các ngành đào tạo được mở mới đúng theo lộ trình của đề án thành lập trường; chất lượng đào tạo được cải thiện hàng năm. Vị thế và vai trò của trường dần được khẳng định trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.

Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh thẩm tra Tờ trình ban hành chính sách thu hút sinh viên vào học một số lĩnh vực đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: Minh Hiền

Tuy nhiên, chính sách trên chỉ áp dụng cho 2 năm tuyển sinh đầu tiên là năm học 2015-2016 và 2016-2017. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng sinh viên nhập học các khóa sau giảm nhanh. Nếu xét theo điểm tuyển sinh là 19 điểm trở lên (mức điểm được nhà trường xác định là đáp ứng tốt các yêu cầu đào tạo) thì tỷ lệ sinh viên đạt mức điểm này giảm từ 27,9% (năm 2016) xuống còn 14,4% (năm 2018).

Chất lượng đầu vào thấp làm cho chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo không cao. Khóa 2015-2019 (khóa đại học đầu tiên của nhà trường) chỉ có 1 sinh viên được xếp loại tốt nghiệp xuất sắc, chiếm 0,4%; 20 sinh viên loại giỏi, chiếm 7,8%; 138 sinh viên loại khá, chiếm 53,7%; 52 sinh viên loại trung bình, chiếm 20,2%; 46 sinh viên không đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành năng lực tiếng Anh bậc 4 theo quy định. Theo khảo sát của nhà trường, hầu hết những sinh viên xếp loại tốt nghiệp trung bình hoặc không đủ điều kiện tốt nghiệp đều có điểm tuyển sinh thấp.

Như vậy, để tạo ra những đột phá trong nâng cao chất lượng công tác đào tạo của tỉnh, thu hút sinh viên giỏi về học và làm việc sau khi tốt nghiệp, rất cần các giải pháp tổng thể, toàn diện và cơ chế đủ mạnh.

Các sinh viên học tập tại Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hoa

Tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có Tờ trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành chính sách thu hút sinh viên vào học một số lĩnh vực đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long.

Theo đó, có rất nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực dành cho sinh viên ngay từ khâu đầu vào. Cụ thể, sinh viên đại học thuộc các ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống; ngôn ngữ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc; nuôi trồng thuỷ sản được đào tạo theo hình thức chính quy tại Trường Đại học Hạ Long từ năm học 2019-2020 đến năm học 2027-2028 sẽ được thưởng bằng 7 lần mức lương cơ sở nếu có điểm tuyển sinh từ 19 đến dưới 21; hưởng 10 lần mức lương cơ sở nếu có điểm tuyển sinh từ 21 đến dưới 24 điểm; bằng 15 lần mức lương cơ sở nếu có điểm tuyển sinh từ 24 đến dưới 27 điểm; bằng 20 lần mức lương cơ sở nếu có điểm tuyển sinh từ 27 điểm trở lên.

Trong quá trình học tập, nếu có kết quả rèn luyện và học tập tốt cũng được hưởng nhiều chính sách khen thưởng, hỗ trợ tiền ăn, học phí. Những sinh viên nhà ở xa trường cũng được hỗ trợ chỗ ở miễn phí hoặc một phần kinh phí thuê nhà…

Dự kiến khi chính sách được ban hành, mức hưởng cao nhất của 1 sinh viên trong 4 năm học là 159 triệu đồng; mức hưởng thấp nhất là 113,5 triệu đồng. Từ năm 2019-2024 sẽ có khoảng trên 8.000 lượt sinh viên hưởng chính sách. Khi Trường Đại học Hạ Long đảm bảo được chỉ tiêu tuyển sinh theo đề án thành lập, tổng kinh phí thực hiện chính sách dự kiến là 87,9 tỷ đồng, áp dụng từ năm học 2019-2020 đến hết năm học 2027-2028.

Việc xem xét để tiếp tục ban hành một số chính sách đối với sinh viên học tại Trường Đại học Hạ Long một lần nữa khẳng định sự quan tâm rất lớn của tỉnh trong phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Nếu được thông qua, chính sách này không chỉ giúp Trường Đại học Hạ Long thu hút thêm nhiều sinh viên chất lượng, mà quan trọng hơn, về lâu dài sẽ giúp tỉnh Quảng Ninh có được nguồn nhân lực tốt, là nhân tố quan trọng phục vụ đắc lực trong công cuộc phát triển KT-XH của địa phương.

Thu Chung (Báo Quảng Ninh)

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN