GD&TĐ - Ngày 10/10, tại Quảng Ninh, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Hạ Long tổ chức lễ phát động phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong các nhà trường thuộc hệ thống GD quốc dân.
Tham dự buổi lễ có bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT) ; ông Nguyễn Tô Chung, Phó Trưởng ban Đề án NNQG (Bộ GD&ĐT) ; ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS SV (Bộ GD&ĐT); ông Nguyễn Thiên Tú, Phó Trưởng ban Thanh niên trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long.
Chương trình văn nghệ chào mừng
Ngoại ngữ và tin học là 2 công cụ không thế thiếu
Phát biểu khai mạc lễ phát động, ông Trần Trung Vỹ cho biết: Ngoại ngữ và tin học là 2 công cụ không thế thiếu để các em bước vào đời. Khái niệm “mù chữ” trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay chính là mù tin học và ngoại ngữ. Do vậy, muốn thành công trong cuộc sống thì trước hết phải học và phải giỏi ngoại ngữ.
Một trong những ngôn ngữ được sử dụng phổ biến hiện nay tại các hội thảo quốc tế, các diễn đàn khu vực thế giới là tiếng Anh. Hiện nay có tới hơn 60 nước sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp chính thức, và là ngôn ngữ chung sử dụng chung trên toàn thế giới.
Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long phát biểu khai mạc
Trường ĐH Hạ Long rất coi trọng việc học ngoại ngữ, cụ thể là Tiếng Anh cho SV. Ngay từ khi tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2015, nhà trường đã xây dựng Đề án “Đào tạo tiếng Anh cho sinh viên hệ đại học giai đoạn 2015 – 2020” với mục tiêu:
SV hệ ĐH của trường có năng lực tiếng Anh vượt trội gắn với thương hiệu của trường và lấy tiếng Anh làm lợi thế trong tuyển dụng, làm việc và học tập nâng cao trình độ sau tốt nghiệp, khi đó khi ra trường, SV hệ ĐH không chuyên tiếng Anh đạt trình độ bậc 4; SV hệ ĐH chuyên ngành tiếng Anh đạt trình độ bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Việc triển khai Đề án trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn, từ nhận thức của SV đến khâu tuyên truyền, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong trường. Khóa SV đầu tiên của trường vừa tốt nghiệp năm 2019 có gần 40 SV chưa được nhận bằng vì chưa qua đánh giá năng lực tiếng Anh.
Các em SV được giao lưu, tham gia trò chơi tiếng Anh.
Chú trọng đến kỹ năng ngôn ngữ trong thời đại 4.0
Phát biểu hưởng ứng tại lễ phát động, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GD Đại học cho biết: Ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thế giới hiện đại ngày nay, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội rộng mở, nhưng cũng không ít thách thức do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như Kỷ nguyên số mang lại.
Trong số những kỹ năng rất quan trọng cho thế giới trong tương lai như kỹ năng phân tích số, kỹ năng học tập suốt đời, kỹ năng và tinh thần khởi nghiệp… chúng ta còn cần đặc biệt chú trọng đến kỹ năng ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GD Đại học phát biểu hưởng ứng lễ phát động
Hiện nay Chính phủ, Bộ GD&ĐT, cũng như các tỉnh thành đều đã có nhiều chính sách ưu tiên, trong đó có cả đầu tư, cho việc dạy và học tiếng Anh trên cả nước. Với phong trào này, với sự kiện ngày hôm nay, Bộ GD&ĐT rất mong muốn khuyến khích các giảng viên, GV, SV cùng nhau thúc đẩy xây dựng, phát triển phong trào học tiếng Anh, môi trường học tiếng Anh.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, trước hết, cần xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong các nhà trường; tạo lập môi trường để cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên phát huy hiệu quả năng lực dạy và học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng;
Thứ hai là khuyến khích cán bộ, nhà giáo cùng học tập, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ với học sinh, sinh viên;
Thứ ba là khuyến khích giáo viên, học sinh, giảng viên, sinh viên tự học, tự nâng cao trình độ và sử dụng ngoại ngữ, phục vụ học tập, nhu cầu trao đổi thông tin và công việc.
Hưởng ứng tại lễ phát động, cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Trưởng bộ môn Tiếng Anh, khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Hạ Long cho biết: Tôi và SV trong trường xem tiếng Anh như chìa khóa vô cùng quan trọng dẫn đến mọi thành công, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới GDĐH và sau ĐH. Tiếng Anh không đơn thuần là công cụ, tiếng Anh sẽ là thế mạnh của thày và trò chúng tôi trong giảng dạy học tập và kết nối chúng tôi với thế giới. |
Theo Lê Đăng (https://giaoducthoidai.vn)
Ảnh: Trung tâm Thông tin – Thư viện