Với xu hướng thiên về đào tạo ứng dụng, chất lượng đào tạo ngày càng có sự đổi mới, Khoa Du lịch Đại học Hạ Long hiện thu hút khoảng 1.500 sinh viên theo học cả 3 mã ngành đào tạo hệ đại học…
Lương Thu Hương – Sinh viên lớp Đại học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành K3B, Đại học Hạ Long, đoạt giải thí sinh xuất sắc và giải Khuyến khích toàn quốc chuyên ngành Nhà hàng, tại Hội thi tay nghề toàn quốc năm 2020.
Qua tìm hiểu được biết, việc đào tạo sinh viên của Khoa Du lịch Đại học Hạ Long đã chuyển từ đào tạo hệ cao đẳng sang đào tạo song song cả hai hệ cao đẳng và đại học sau khi thành lập Đại học Hạ Long.
Khâu đào tạo hệ đại học có sự phát triển nhanh chóng, từ chỗ chỉ mở một chuyên ngành là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành vào năm học 2014-2015, thì ngay trong năm sau, nhà trường đã mở thêm một mã ngành nữa là Quản trị Khách sạn và đến nay có thêm ngành Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống. Đây là 3 mã ngành chuẩn về đào tạo du lịch ở trong nước, trong đó, hiện chỉ có 3 cơ sở đào tạo đại học trong cả nước có mã ngành Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống.
TS Vũ Văn Viện, Trưởng Khoa Du lịch Đại học Hạ Long, cho hay: Việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch của đơn vị những năm gần đây có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhà trường thường xuyên mời các chuyên gia là giám đốc, quản lý, điều hành, đầu bếp, trưởng các bộ phận trong doanh nghiệp du lịch giảng dạy cho sinh viên trong Khoa và tham gia vào các khâu khác trong quy trình đào tạo.
Hiện có khoảng 40 doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ trên địa bàn đang ký kết hợp tác đào tạo với nhà trường. Vì vậy, sinh viên có môi trường thực hành rất sớm, ngay từ năm thứ hai đã được tiếp cận với các doanh nghiệp du lịch.
Bên cạnh đó, Khoa Du lịch nay không chỉ mời giảng viên trong nước còn mời giảng viên của các trường quốc tế sang thỉnh giảng, như Trường Đại học Công nghệ Auckland (AUT) của Newzeland. Việc đào tạo ngoại ngữ cũng được chú trọng hơn. Sinh viên của Khoa nay được đào tạo ngoại ngữ đảm bảo khi ra trường đạt được ít nhất là khung bậc 3 trong khung 6 bậc về tiếng Anh của châu Âu.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành tại đền vua Lê Thánh Tông, thuộc cụm di tích núi Bài Thơ (TP Hạ Long).
Việc tham gia các cuộc thi bartender, masterchef hoặc các liên hoan ẩm thực, các cuộc thi tìm kiếm sứ giả du lịch, hướng dẫn viên du lịch, người thuyết minh hay nhất của các địa phương… được xem là một nội dung không thể thiếu trong chương trình đào tạo, giúp sinh viên được cọ xát, tìm hiểu thêm về nghề. Đặc biệt, năm 2018, sinh viên Lê Thị Hiên tham gia Hội thi tay nghề khu vực tổ chức tại Thái Lan, đã đoạt giải xuất sắc về nghề nhà hàng của Việt Nam.
Ngoài ra, việc đào tạo còn gắn với phục vụ cộng đồng. Từ năm 2016 trở lại đây, sinh viên của Khoa đã tham gia làm tình nguyện viên cho rất nhiều các chương trình, sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh. Việc nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng là một nét mới, nhiều sinh viên du lịch đã hình thành và tham gia các dự án khởi nghiệp khác nhau.
Việc đào tạo gắn với “đầu ra” cho sinh viên ngày càng được coi trọng hơn. TS Viện cho biết: Quá trình thực tập, các nhà tuyển dụng đã bắt đầu tính đến việc tuyển dụng các em sinh viên có tiềm năng. Chúng tôi cũng thường phối hợp với FLC, Vinpearl tổ chức các hội thảo, toạ đàm ngắn về công tác tuyển dụng và thực tập.
Nhà trường cũng có fanpage tương tự “chợ online”, chuyên cung cấp toàn bộ nhu cầu việc làm của doanh nghiệp, để sinh viên có thể chọn việc làm phù hợp với mình. Thêm nữa, nhờ nỗ lực đàm phán với doanh nghiệp, sinh viên khi đi thực tập còn được doanh nghiệp du lịch hỗ trợ trả lương, đơn cử như ở Vinpearl là 1,2 triệu đồng, ở tàu nghỉ đêm tầm 2-3 triệu đồng/tháng/em.
Tình nguyện viên tổ chức ELIC tham gia chương trình giao lưu văn hoá với sinh viên Khoa Du lịch, Đại học Hạ Long, tháng 3/2019.
“Nhờ vừa học vừa hành thông qua việc tiếp cận sớm với nghề nên sinh viên của Khoa khá thuận lợi sau khi ra trường. Năm 2015, Khoa có khoảng 120 sinh viên hệ đại học, đến nay con số này là khoảng 1.500 sinh viên, chưa kể 1.300 sinh viên hệ cao đẳng. Những mã ngành đầu tiên chỉ có khoảng 200 – 300 sinh viên theo học nay đã tăng gấp đôi số lượng sinh viên mỗi mã ngành đào tạo. “Đầu ra” của sinh viên khá tốt với tỉ lệ cao sinh viên ra trường có việc làm” – TS Viện cho biết.
Ông Trịnh Văn Thái, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch khám phá (TP Hạ Long), đơn vị chuyên kinh doanh lữ hành quốc tế, đồng thời cũng là doanh nghiệp có sự tham gia phối hợp đào tạo sinh viên du lịch của trường từ lâu, chia sẻ: Khoảng chục năm trở lại đây, năm nào chúng tôi cũng nhận 5-10 sinh viên Khoa Du lịch vào thực tập, cũng có bạn đã vào đơn vị chúng tôi làm việc. Tôi nhận thấy, chất lượng đào tạo trong mấy năm trở lại đây của Khoa Du lịch khá hơn nhiều, nhất là kiến thức để đảm bảo việc làm với hệ đại học… Phương pháp đào tạo có nhiều tiến bộ, kể cả việc cho sinh viên đi thực tập, nhà trường tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp cũng có sự điều chỉnh phù hợp.
Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu doanh nghiệp, tôi nghĩ sinh viên cần được định hướng nghề nghiệp tốt hơn, từ đó có sự chuẩn bị hành trang phù hợp như ngoại ngữ và các kiến thức bổ trợ khác. Nhà trường cần có thêm nhiều buổi tổ chức để doanh nghiệp trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ với sinh viên nhiều hơn về nghề, để các bạn có định hướng đúng hơn, gắn bó hơn với nghề và có thể sống tốt bằng nghề ngay tại Quảng Ninh, một trung tâm du lịch lớn của quốc gia, quốc tế…
Phan Hằng (Báo Quảng Ninh)