Thứ Năm, 10/10/2019 | 08:20 GMT +7

Đại học Hạ Long: Đi đầu trong đào tạo gắn kết 3 nhà

Trường Đại học Hạ Long đang thực hiện sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Do đó, bằng nhiều giải pháp thiết thực, trường đã và đang khẳng định uy tín, chất lượng, thương hiệu trong công tác đào tạo, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa: Nhà trường - nhà khoa học - doanh nghiệp.

Một giờ học của sinh viên ngôn ngữ Anh, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hạ Long.

Tiến sĩ Lê Anh Tú, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Để xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo gắn kết 3 nhà (nhà trường – nhà khoa học – doanh nghiệp), Trường Đại học Hạ Long đã xây dựng các cơ chế chính sách, tạo môi trường tốt nhất cho sinh viên tiếp thu kiến thức và phát triển các kỹ năng nghề. Các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia là cầu nối quan trọng trong việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp với vai trò tư vấn giải pháp khoa học, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, thực hiện các đề tài… Nhà doanh nghiệp sẽ tham gia vào các khâu trong quá trình đào tạo, đánh giá của nhà trường và sử dụng nguồn nhân lực do nhà trường đào tạo ra.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đại học Hạ Long đã xác định triển khai đào tạo đa ngành định hướng ứng dụng, với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, kiến thức và kỹ năng làm việc thực tiễn trong môi trường hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, nhà trường đã không ngừng hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo. Đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn xã hội để phát triển các ngành nghề phù hợp, trong đó, ưu tiên hàng đầu cho các ngành nghề phục vụ sự phát triển KT-XH của tỉnh gồm: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; quản trị khách sạn; quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; các ngôn ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn; khoa học máy tính; nuôi trồng thủy sản; quản lý tài nguyên và môi trường; quản lý văn hóa.

Tiết học thực hành của sinh viên Khoa Thủy sản, Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: Việt Hoa

Nhằm triển khai mô hình đào tạo, các chương trình giảng dạy đều được nhà trường biên soạn, chỉnh lý chuyển đổi, bổ sung theo hướng gắn với các mô đun thực hành, thực tập. Nhiều học phần, mô đun có sự tham gia giảng dạy, đánh giá, hướng dẫn của các chuyên gia, nghệ nhân từ các đơn vị đào tạo ngoài nhà trường hoặc cơ quan, doanh nghiệp. Phương thức triển khai có thể cho sinh viên học tập trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc mời các chuyên gia của doanh nghiệp giảng dạy tại trường.

Nhà trường đã ký kết hợp tác với trên 30 doanh nghiệp quy mô lớn trong và ngoài tỉnh trong công tác phối hợp đào tạo, thực tập và tuyển dụng sinh viên. Qua đó, sinh viên thường xuyên được tham gia các hoạt động thực hành, thực tế, thực tập tại nhà trường và doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên đều có khả năng đáp ứng được ngay yêu cầu sản xuất tại doanh nghiệp mà không phải đào tạo lại. Việc đề cao vai trò của các nhà tuyển dụng trong quy trình đào tạo, giúp nhà trường kịp thời cập nhật các kiến thức và nhu cầu thực tiễn vào chương trình dạy học, đồng thời tạo môi trường học tập thực tế và cơ hội việc làm cho người học.

Bên cạnh các hoạt động đào tạo, thực hành, thực tế gắn với doanh nghiệp, nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác giảng dạy và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên. Đối với sinh viên hệ đại học các ngành không chuyên ngữ phải đảm bảo đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh bậc 4 (tương đương trình độ B2) khi tốt nghiệp. Để hỗ trợ cho sinh viên đạt được chuẩn đầu ra này, trường đã triển khai đề án xây dựng lộ trình đào tạo phù hợp và bổ trợ kiến thức thêm cho sinh viên, trong đó tất cả sinh viên được học miễn phí từ 420-510 giờ tiếng Anh tùy theo năng lực của mỗi cá nhân. Do vậy, hầu hết sinh viên tốt nghiệp có năng lực tiếng Anh tốt hơn so với mặt bằng chung của hầu hết các trường đại học không chuyên ngữ hiện nay.

Sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long thực hành nghiệp vụ.

Cùng với đó, trang thiết bị tại trường đều đáp ứng các tiêu chuẩn của các phòng thí nghiệm chuyên nghiệp hiện nay. Điều này cho phép các giảng viên và sinh viên thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực thủy sản và môi trường như: Phân tích nhanh về mầm dịch bệnh, thành phần hóa học trong mẫu thủy sản hoặc mẫu nước nuôi thủy sản… Sinh viên được học đi đôi với hành, cảm nhận bài học, nắm bắt kiến thức ở mọi phương diện từ lý thuyết đến thực tế.

Đáng chú ý, việc tham gia, sản xuất, thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong chương trình đào tạo của nhà trường. Trong đó, ý kiến đánh giá của cơ quan, doanh nghiệp sau là tiêu chí quan trọng được nhà trường lựa chọn phân loại chất lượng sinh viên và giảng viên.

Bằng những giải pháp cụ thể, đến nay 100% sinh viên hệ đại học khóa đầu tiên của nhà trường sau khi tốt nghiệp đã có việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. Đây là những kết quả cho thấy sự đổi mới trong công tác đào tạo (từ đào tạo theo những gì nhà trường có sang đào tạo theo những gì xã hội cần), qua đó, góp phần khẳng định thương hiệu của nhà trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cao Quỳnh (Báo Quảng Ninh)

BÌNH LUẬN