Thứ Hai, 10/6/2019 | 08:29 GMT +7

ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ VĂN HÓA ĐẾN VIỆC DẠY VÀ HỌC TIẾNG ANH

Ngày nay, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thống đóng vai trò quan trọng và thiết yếu bởi vì nó được sử dụng ở hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Do đó việc dạy tiếng Anh không chỉ dừng lại ở việc dạy về kiến thức ngôn ngữ như từ vựng, cấu trúc câu và ngữ pháp hay các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà phải hướng tới rèn luyện năng lực giao tiếp hiệu quả, đặc biệt là khả năng giao tiếp ở những nền văn hóa khác nhau. Hay nói cách khác, lồng ghép yếu tố văn hóa của ngôn ngữ tiếng Anh vào quá trình dạy và học là vô cùng quan trọng. Trong bài viết này tác giả sẽ tập trung đề cập tới mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ nói chung, tiếp đến là tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong quá trình dạy và học tiếng Anh, sau cùng tác giả đề xuất một số gợi ý lồng ghép yếu tố văn hóa trong các giờ dạy tiếng Anh giúp sinh viên có thể tiếp cận được yếu tố văn hóa của ngôn ngữ mình theo học một cách hiệu quả nhất.

ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ VĂN HÓA ĐẾN VIỆC DẠY VÀ HỌC TIẾNG ANH

                                                                                         ThS. Bùi Thị Bích Diệp,Khoa Ngoại ngữ

       Đặt vấn đề

            Mỗi ngôn ngữ đều có các yếu tố văn hóa, các yếu tố đó thường khác nhau giữa các quốc gia. Thông thường văn hóa của một quốc gia sẽ được thể hiện thông qua ngôn ngữ. Đôi khi văn hóa có thể khó nhận biết hơn ngôn ngữ. Tất nhiên, có văn hóa của một quốc gia nhưng cũng có vô số biến thể trong mỗi quốc gia. Học một ngôn ngữ đòi hỏi người học phải cảm nhận về văn hóa mà nó xuất phát. Ngay cả với sự toàn cầu hóa đang ảnh hưởng đến hầu hết mọi ngóc ngách của hành tinh, vẫn có những nền văn hóa đặc trưng cho từng quốc gia và khu vực. Do đó, học cách cởi mở hơn và dễ chấp nhận các nền văn hóa và dân tộc khác chắc chắn có thể giúp bất kỳ người học ngôn ngữ nào trong nỗ lực cải thiện việc học ngôn ngữ của mình.     Việc hiểu biết những yếu tố văn hóa này giúp người giao tiếp cũng như người dạy và người học tiếp thu được ngoại ngữ một cách có hiệu quả bởi nghĩa của một từ, nội dung lời thoại của bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có thể thay đổi theo ngữ cảnh. Sự cảm nhận ngôn ngữ không chỉ dừng lại ở chỗ biết nghĩa, biết nội dung chứa đựng trong các từ ngữ mà quan trọng hơn là nắm được ý nghĩa sâu xa của những nội dung thông tin ấy. Một người dù có nắm vững ngữ pháp và có vốn từ phong phú đến đâu, nếu thiếu hiểu biết về văn hóa bản ngữ thì khi giao tiếp họ chỉ dừng lại ở mức độ là biết cách diễn đạt ý nghĩ của mình một cách vụng về bằng ngôn ngữ của họ và bằng việc áp đặt văn hóa Việt vào trong ngôn ngữ đó mà thôi. Hay nói cách khác chỉ có năng lực ngôn ngữ thôi thì chưa đủ cho người học ngoại ngữ thành thạo ngôn ngữ đó.

     Nội dung

  1. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa

     Ngôn ngữ không phải chỉ là âm thanh hay chữ viết. Ngôn ngữ là những âm thanh và chữ viết có ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa lại không phải là những gì chung chung và bất biến, tồn tại giữa hư không hoặc trong các cuốn từ điển cứng nhắc, vô hồn. Ý nghĩa bao giờ cũng gắn liền với một ngữ cảnh (context) trong đó có một người nói/viết, một hoặc nhiều người nghe/đọc, trong một không khí nhất định và với những quan hệ xã hội, tình cảm và mục đích giao tiếp nhất định. Nếu ý nghĩa bao giờ cũng gắn liền với ngữ cảnh thì, nói theo Dell Hymes, 1972 “Chìa khóa để hiểu ngôn ngữ trong ngữ cảnh là phải bắt đầu không phải với ngôn ngữ mà là với ngữ cảnh”. Ngữ cảnh, hiểu theo nghĩa rộng ấy, chính là văn hóa.     Văn hoá hiểu theo nghĩa rộng bao gồm toàn bộ những sản phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển. Đây cũng chính là ý nghĩa mang tính thuật ngữ đang được sử dụng trong nghiên cứu của nhiều lĩnh vực thuộc khoa học xã hội và nhân văn như: văn học, ngôn ngữ học, sử học, triết học…     Ngôn ngữ và văn hoá có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể được biểu hiện ra bên ngoài thành những phương tiện vật chất cụ thể, nhưng cũng có thể biểu hiện qua mối quan hệ bên trong. Mối quan hệ bên trong này được hình thành từ một trong những chức năng quan trọng nhất của ngôn ngữ, đó là chức năng tư duy. Không có ngôn ngữ, con người không thể tư duy. Nói một cách khác, mọi hoạt động tư duy của con người đều thực hiện trên chất liệu của ngôn ngữ.

  1. Tại sao yếu tố văn hóa lại đóng vai trò quan trọng trong việc dạy và học ngôn ngữ tiếng Anh

Theo Claire Kramsch, trong cuốn Context and Culture in Language Education (1993), bất cứ sự giao tiếp nào với người nói một ngôn ngữ khác mình cũng đều là một thao tác văn hóa (culture act). Học ngôn ngữ, do đó, thực chất là học văn hóa. Nếu chúng ta chỉ dạy ngôn ngữ mà không dạy văn hóa, chúng ta đang dạy những ký hiệu hoặc là vô nghĩa hoặc mơ hồ đến độ học sinh sẽ hiểu hoàn toàn sai.

Đó là lý do tại sao gần đây khái niệm “dạy ngôn ngữ” (language teaching) thường được gọi là “dạy ngôn ngữ liên văn hóa” (intercultural language teaching), ở đó, khái niệm “khả năng giao tiếp’ (communicative competence) được soi chiếu dưới lăng kính liên văn hóa (intercultural) hoặc xuyên văn hóa (cross-cutlural): Giao tiếp không còn là một hành động sử dụng ngôn ngữ thuần túy mà biến thành một nỗ lực tiếp cận với cái khác (otherness).

Không hiếm người Việt Nam học tiếng Anh ở mức độ tương đối khá nhưng lại không thể giao tiếp với người bản xứ được chỉ vì một tật: gặp ai cũng hỏi tuổi tác, nghề nghiệp, lương hướng; hứng nữa thì hỏi chuyện tôn giáo và đảng phái, vốn là những điều cấm kỵ trong nghi thức giao tiếp của người phương tây .

Ngược lại, cũng không hiếm người phương tây khi học tiếng Việt cũng than thở rất nhiều điều, chẳng hạn, người Việt rất ít chào hỏi nhưng lại hay hỏi chuyện tuổi tác và gia đình. Họ kể, cứ nghe những câu hỏi như vậy, họ lại khựng lại. Có cảm tưởng như sự riêng tư của mình bị vi phạm. Từ đó, có ấn tượng là người Việt Nam thiếu lịch sự. Câu chuyện, bởi vậy, bị ngắc ngứ ngay tức khắc.

Trong cả hai trường hợp, vấn đề đều không thuộc phạm trù kỹ năng ngôn ngữ (linguistic skills) mà là ở năng lực giao tiếp liên văn hóa (intercultural communicative competence): người Việt thì không biết văn hóa phương Tây  trong khi người phương Tây học tiếng Việt thì lại không biết văn hóa Việt Nam.

  1. Một vài gợi ý lồng ghép các yếu tố văn hóa và giao thoa văn hóa trong việc dạy và học tiếng Anh

Có thể nói văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình dạy học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, các giảng viên dạy ngoại ngữ cần phải tìm ra phương pháp và nội dung lồng ghép các yếu tố văn hóa và giao thoa văn hóa phù hợp, bởi lẽ đó vừa là yếu tố kích thích sự hứng khởi trong quá trình học ngoại ngữ vừa là tạo cơ hội cho sinh viên hiểu biết về văn hóa các nước trên thế giới.

            Nhận thức về sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa:

Ngay từ các tiết học đầu của mỗi môn học, giáo viên nên cho người học thấy được sự khác biệt rõ rệt giữa 2 nền văn hóa của 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt thông qua các ví dụ hoặc các tình huống giao tiếp cụ thể.

            Sử dụng các câu chuyện cười (funny stories)

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể lồng ghép vào đầu hoặc cuối giờ dạy 1 câu chuyện vui bằng tiếng Anh so sánh đối chiếu sang tiếng Việt, trong đó có các yếu tố khác biệt về văn hóa vừa giúp người học nhận thức được vai trò của văn hóa trong ngôn ngữ mình đang học vừa tạo hứng thú cho sinh viên.

            Sử dụng thành ngữ, tục ngữ

Trong bài giảng của mình, giáo viên có thể lồng ghép đưa vào một vài câu thành ngữ, tục ngữ của người Anh vào đầu giờ dạy hoặc cuối giờ dạy, yêu cầu các em bình luận, đoán nghĩa và cách sử dụng của các thành ngữ đó. Như vậy qua mỗi buổi học sinh viên có thể gia tăng vốn thành ngữ tục ngữ của mình để có thể áp dụng khi giao tiếp và cũng giúp sinh viên hiểu rõ hơn về văn hóa Anh so sánh đối chiếu với văn hóa Việt.

            Miêu tả tranh

Rất đơn giản, mỗi buổi học giáo viên có thể chiếu một bức tranh về một món ăn, lễ hội, hay trang phục…của người Anh sau đó yêu cầu sinh viên cùng nhau tìm hiểu miêu tả trước lớp. Sau đó giáo viên sẽ giải thích rõ hơn. Có thể nói đây là một cách tiếp cận văn hóa đơn giản, nhẹ nhàng, dễ hiểu và hấp dẫn đối với sinh viên.

            Tạo tình huống giao tiếp

Giáo viên có thể cho sinh viên tham gia hoạt động phân vai (role play) với các tình huống cụ thể trong các nhà hàng, quán ăn, khách sạn… với các vai khác nhau là người Việt và người Anh.

            Góc giao thoa văn hóa

Giáo viên yêu cầu sinh viên làm việc theo nhóm cùng tìm hiểu về 1 khía cạnh văn hóa của 1 quốc gia (ưu tiên các nước nói tiếng Anh là ngôn ngữ chính thống trước). Cùng tìm hiểu về một quốc gia nhưng mỗi nhóm tìm hiểu về một khía cạnh như ẩm thực, giao thông, giải trí, lễ hội, truyền thống…Mỗi tuần (buổi học) tìm hiểu về 1 đất nước vừa tạo được sự hứng khởi trong học tập cho sinh viên vừa tạo sự say mê tìm hiểu về văn hóa của một quốc gia trên thế giới.

Kết luận

Tóm lại, tiếng Anh không ngừng biến đổi theo thời gian và không gian, đươc sử dụng bởi các cộng đồng nói các ngôn ngữ khác nhau. Việc hiểu biết sâu sắc trên tinh thần cởi mở và khả năng giao tiếp nhạy bén linh hoạt sẽ giúp người dạy và người học Việt Nam nắm bắt được xu thế phát triển.

Vì vậy cần có những thay đổi để tạo ra động lực để xem xét lại việc giảng dạy tiếng Anh bao gồm tài liệu hỗ trợ giảng dạy, thực hành và đánh giá giảng dạy… Vì thế để kết hợp giữa ngôn ngữ học và sự đa dạng về văn hóa, để nâng cao sự nhận thức của người học ngôn ngữ về những nền văn hóa khác nhau, để giúp cho quá trình giao tiếp liên văn hóa dễ dàng hơn trong công tác giảng dạy tiếng Anh là những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu.

Trong phạm vi bài báo này, người viết chỉ phản ánh mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ nói chung, tiếp đến là tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong quá trình dạy và học tiếng Anh, sau cùng tác giả đề xuất một số gợi ý lồng ghép yếu tố văn hóa trong các giờ dạy tiếng Anh giúp sinh viên có thể tiếp cận được yếu tố văn hóa của ngôn ngữ mình theo học một cách hiệu quả nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Brown, H.D (2007). Principles of language learning and teaching. New York, Pearson Education.
  2. Dell Hymes (1972), “Introduction” in”Functions of Language in the Classroom”, Humes và C.J. Cazden, New York: Teachers College Press, p. xix.
  3. Gallois, C., Callan, V.J (1997).  Communication and Culture: A Guide for Practice. London, England: Willey
  4. Joseph Lo Bianco & Chantal Crozet (2003), Teaching Invisible Culture, Classroom Practice and Theory, Melbourne: Language Australia Ltd., p. 26.
  5. Keywords, A Vocabulary of Culture and Society, London: Fontana Press, 1983, p. 87.
    Karen Risager (2006), Language and Culture: Global Flows and Local Complexity, Clevedon: Multilingual Matters, p. 12-16.
  6. Teaching Language as Culture in the Foreign Language Classroom, Kathleen J, Taylor,The University of Texas, 2010

 

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN