Các trường đại học hiện giữ vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây là nơi hoạt động khởi nghiệp được phát triển sôi nổi, là cái nôi hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho khởi nghiệp cũng như cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Trường Đại học Hạ Long trao giải cho các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2019. (Ảnh: Việt Hoa)
Trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ở bất cứ nước nào, trường đại học, chính phủ và giới doanh nghiệp là 3 trụ cột tạo ra xã hội tri thức. Khi 3 thành tố quan trọng này gắn kết với nhau sẽ tạo điều kiện cho việc tạo ra tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cho xã hội. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, các trường đại học còn là nơi cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản trí tuệ và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong số ít trường đại học ở Việt Nam có nhiều hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực trình độ cao. Trường đã thành lập Công ty BK Holdings kết nối với 25 viện đào tạo và nghiên cứu, 150 nhóm nghiên cứu với 400 dự án/năm, hình thành hệ thống cơ sở ươm tạo và các trung tâm công nghệ liên kết để chuyển giao hướng đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phong trào khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng được diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây. Một số trường đại học, cao đẳng đã thành lập các CLB khởi nghiệp để hỗ trợ các học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Sinh viên các trường đại học trên địa bàn tỉnh tham gia Diễn đàn Quảng Ninh khởi nghiệp 2018.
Nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên, thời gian qua, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tạo không gian dùng chung cho sinh viên; biên soạn, ban hành bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Trường đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với các hoạt động sản xuất, kinh doanh… Tháng 8/2019, CLB Khởi nghiệp sáng tạo của nhà trường được thành lập, là nơi tập hợp các sinh viên, giảng viên có đam mê kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp, có mong muốn đóng góp cho hoạt động khởi nghiệp của trường. Thông qua việc kết nối các nguồn lực, các nhà tư vấn, nhà đầu tư, kinh doanh, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, chia sẻ các ý tưởng sáng tạo, giao lưu, kết bạn, giúp đỡ nhau, CLB đã trở thành “lò ấp” ý tưởng cho các bạn trẻ có đam mê, nhiệt huyết.
Trường Đại học Hạ Long, Trường Đại học Ngoại thương cơ sở Quảng Ninh, các hoạt động thúc đẩy sinh viên hình thành ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng diễn ra sôi nổi. Các CLB khởi nghiệp trong trường được hình thành, trở thành cầu nối kết nối hiệu quả giữa sinh viên và các doanh nghiệp. Qua đó, giúp hỗ trợ tài chính và kinh nghiệm cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên.
Để hoạt động khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tựu hơn, các trường đại học cần tiếp tục đẩy mạnh văn hóa khởi nghiệp; xây dựng nội dung, chương trình đào tạo về khởi nghiệp chính khóa hoặc ngoại khóa; bố trí cơ cở vật chất, hình thành các không gian khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho sinh viên từ khi hình thành ý tưởng đến triển khai. Bên cạnh đó, các trường cũng cần có hoạt động kết nối doanh nghiệp, kết nối nguồn lực, xây dựng các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên.
Ngọc Trung