Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng, gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững là khâu đột phá, cấp bách của Quảng Ninh.
Đại học Hạ Long tuyên dương các sinh viên tiêu biểu trong lễ trao bằng tốt nghiệp năm học 2022 – 2023
Chú trọng đầu tư cho giáo dục
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đã xác định, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của địa phương. Giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này là cải cách toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại…
Ngay từ năm 2011, Nghị quyết số 39/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã quy định về việc hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú tại các cơ sở giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chăm sóc, giáo dục học sinh tại các vùng khó khăn trên địa bàn và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh.
Chỉ trong 5 năm, từ năm 2014 đến năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo, trình HĐND tỉnh ban hành 9 nghị quyết liên quan đến phát triển nguồn nhân lực.
Trong một đánh giá, góp ý cùng Quảng Ninh tăng trưởng và phát triển bền vững, ông Thomas Rooney, nhà quản lý cấp cao, Dịch vụ tư vấn bất động sản công nghiệp Savills Hà Nội chia sẻ: “Quảng Ninh là khu vực mang tính chiến lược cao và có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, hạn chế lớn của Quảng Ninh là vấn đề tay nghề của lực lượng lao động”.
Đây không chỉ là những ý kiến chủ quan của các chuyên gia đánh giá, mà theo khảo sát tại Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thì mỗi năm Quảng Ninh đang thiếu 20.000 – 30.000 lao động.
Trước những yêu cầu thực tế của xã hội, Quảng Ninh đã phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án có đề xuất nhiều nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực… Trong đó cũng đưa ra dự kiến đào tạo trong nước đối với 62.900 cán bộ, công nhân viên chức; đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh là 750 cán bộ công nhân viên chức theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, dự kiến 5.000 lao động ngành nông nghiệp, 10.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại, 5.000 lao động ngành xây dựng…
Ngay tại thời điểm năm 2021, trong điều kiện khó khăn của Covid-19, song Quảng Ninh vẫn dành nguồn ngân sách đáng kể để đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, phải kể đến Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường đại học Hạ Long, Trường cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh, Trường cao đẳng Y tế Quảng Ninh.
Bên cạnh việc quan tâm, hỗ trợ giáo dục các vùng khó khăn, Quảng Ninh cũng xác định phải bảo đảm hài hòa, cân đối giữa giáo dục với đào tạo, giữa loại hình công lập và tư thục.
Bằng những chiến lược cụ thể, đến nay, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh khá đa dạng, đủ các loại hình, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân, được sắp xếp theo hướng tinh gọn nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tính đến tháng 6/2023 đã đạt 89,19%, ước tính đến hết năm 2023 đạt 90,14%, đạt chỉ tiêu trước nửa nhiệm kỳ (mục tiêu đến năm 2025 đạt 90%); tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa tính đến tháng 6/2023 đạt 92,1%, tăng 2,1% so với đầu nhiệm kỳ.
Đổi mới để theo kịp yêu cầu phát triển
Từ những quyết sách cụ thể, việc đổi mới trong phương pháp đào tạo như đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về phát triển nguồn nhân lực cũng được Quảng Ninh triển khai tích cực. Tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các trường đại học hàng đầu Việt Nam và quốc tế như: Trường đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Ngoại thương, đặc biệt là Trường đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), nhằm bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; tăng cường đào tạo đối với các lĩnh vực quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật kinh doanh, thương mại quốc tế, du lịch, chuyên gia về quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp; đào tạo trình độ sau đại học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
Không chỉ vậy, ngay từ giáo dục tại các cấp bậc học, Quảng Ninh đã chú trọng đổi mới như việc áp dụng công nghệ vào quá trình dạy và học, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong giáo dục hướng nghiệp, điều chỉnh hình thức đào tạo để gắn chặt với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, bắt kịp xu hướng nhu cầu nghề nghiệp của xã hội, nhất là các ngành nghề có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Tỉnh chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm, ngư nghiệp sang khu vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện, trên địa bàn Quảng Ninh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Những chính sách được triển khai áp dụng và quan điểm trong chỉ đạo điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền Quảng Ninh đã giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Theo ông Chí Vũ, Trưởng bộ phận dịch vụ khu công nghiệp (Colliers Việt Nam), vấn đề nguồn lực lao động, nhất là lao động chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu cần có sự chung tay của 3 “nhà” (Nhà trường – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp) để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng.
“Cách làm của Quảng Ninh là đúng đắn. Tôi tin, đây là giải pháp bền vững giúp tỉnh ghi điểm hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư”, ông Vũ khẳng định.
Được coi là cái nôi trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu lao động các ngành đang là thế mạnh của Quảng Ninh, Trường đại học Hạ Long được xây dựng theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác, trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực phía Bắc, trong đó có 17 ngành đào tạo cần thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Sau 9 năm thành lập, Trường đã cung cấp cho thị trường lao động địa phương và khu vực lân cận tổng số 8.050 học sinh, sinh viên tốt nghiệp, trong đó: trình độ đại học là 2.254 em, trình độ cao đẳng 4.281 em, trình độ trung cấp 1.515 em.
TS. Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long cho biết: “Với sự mệnh là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, nhà trường đã tăng cường, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp lớn, các trường đại học uy tín trong và ngoài nước”.
Theo đó, từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã triển khai ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác với 15 tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục và công ty có yếu tố nước ngoài ở các quốc gia Australia, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, New Zealand; 7 tổ chức phi chính phủ cung cấp tình nguyện viên và chuyên gia; 2 trường đại học để thực hiện các dự án quốc tế và sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại. Triển khai thành công nhiều dự án hợp tác quốc tế, điển hình dự án hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc như: Quỹ hợp tác quốc tế Hàn Quốc; Công ty Giáo dục Visang Hàn Quốc; Trường đại học Pyeongtaek và Quỹ Học viện King Sejong Hàn Quốc.
Ông Tsutomu Takebe, cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật, cố vấn đặc biệt Trường đại học Hạ Long hồ hởi khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư tại lễ trao bằng cho hơn 800 sinh viên tốt nghiệp tại Trường đại học Hạ Long vào tháng 7/2023: “Tôi đánh giá cao mô hình đào tạo liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp. Tôi tin tưởng rằng, mô hình đào tạo này sẽ tiếp tục đem đến nhiều cơ hội hơn cho các bạn sinh viên khi được tiếp cận thực tế. Doanh nghiệp cũng có điều kiện thu hút được nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu công việc”.
Thực tế, đã có nhiều bạn sinh viên có việc làm, thu nhập tương xứng ngay từ khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. “Là người con của Hạ Long, nên em đã chọn học trường đại học này. Hôm nay, nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi, em và gia đình rất vui. Em đã đi làm tại một khách sạn lớn ở Bãi Cháy trước khi tốt nghiệp”, Phạm Thị Hải Anh, sinh viên khoa Du lịch – Quản trị khách sạn (Trường đại học Hạ Long) xúc động nói trong lễ nhận bằng tốt nghiệp.
Có thể thấy, với sự đổi mới, sáng tạo, đầu tư thỏa đáng cho phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới. Đây sẽ là nền móng vững chắc để địa phương này bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn xã hội. Đẩy mạnh mô hình đào tạo có sự gắn bó chặt chẽ của 3 nhà là: Nhà trường – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp. Tích cực nghiên cứu mở mới các ngành đào tạo ở những lĩnh vực Quảng Ninh cần, gắn với việc tăng bền vững quy mô và chất lượng đào tạo.
Theo: https://baodautu.vn/