Với phương châm lấy người học làm trung tâm, đào tạo toàn diện cả phẩm chất và năng lực cho sinh viên, những năm qua, Trường Đại học Hạ Long đã thu hút đông đảo sinh viên về học tập. Cũng từ mái trường này, nhiều sinh viên ra trường đã đáp ứng đòi hỏi cao của thị trường lao động, có cơ hội việc làm tốt, mức thu nhập cao. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Phan Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường xung quanh công tác đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên của trường.
Chia sẻ về những kết quả nổi bật trong công tác sinh viên của Trường Đại học Hạ Long trong thời gian qua, TS Phan Thị Huệ cho biết:
Trường Đại học Hạ Long luôn xác định đào tạo người học phải toàn diện cả về năng lực và phẩm chất. Nhà trường không chỉ là nơi đào tạo chuyên môn mà còn là môi trường rèn luyện những kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc, chú trọng giáo dục ý thức xã hội vì cộng đồng.
Với chủ trương đó, Phòng Công tác học sinh, sinh viên, Đoàn Thanh niên cùng các khoa, phòng, trung tâm của trường đã tổ chức nhiều hoạt động lành mạnh, bổ ích cho học sinh, sinh viên, luôn đổi mới cả nội dung và hình thức, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, một số kết quả nổi bật như sau: Thứ nhất, tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyên truyền tập trung vào 6 nội dung cơ bản như: Công tác tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tuyên truyền phổ biến pháp luật, an toàn giao thông, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ.
Thứ hai, trong công tác quản lý sinh viên, nhà trường đã triển khai và thực hiện tốt công tác quản lý nội trú, khen thưởng, kỷ luật, đảm bảo an ninh trật tự trong nhà trường, phòng chống tệ nạn học đường, thực hiện các chế độ chính sách cho sinh viên.
Thứ ba, đối với công tác hỗ trợ sinh viên, nhà trường luôn quan tâm đến công tác hướng nghiệp và tư vấn việc làm, tổ chức tốt các dịch vụ cho sinh viên như: Internet, căng tin, sân tập thể thao, thư viện…
Tiến sĩ Phan Thị Huệ.
– Bên cạnh những chính sách thu hút sinh viên của tỉnh, Trường Đại học Hạ Long đã làm những gì để thu hút sinh viên về học tập đối với các ngành còn lại?
+ Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách thu hút sinh viên dành cho 6 ngành đại học: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, ngôn ngữ Nhật Bản, ngôn ngữ Hàn Quốc, nuôi trồng thủy sản; 4 ngành trung cấp nghệ thuật: Thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ phương Tây, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, nghệ thuật biểu diễn kịch múa.
Sinh viên Đại học Hạ Long tiếp sức mùa thi.
Với những ngành đào tạo đại học còn lại chưa được hưởng các chính sách thu hút của tỉnh như: Quản lý văn hóa, Khoa học máy tính, quản lý tài nguyên và môi trường, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc. Ngoài việc sinh viên được hưởng các chế độ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hạ Long còn dành các suất học bổng để thưởng cho các em.
Cụ thể, từ năm học 2020-2021, nhà trường dành 200 suất học bổng thưởng cho sinh viên ngay khi nhập học được chia làm 3 mức: Mức 1 bằng 200% học phí của học kỳ đầu tiên năm trúng tuyển cho sinh viên có điểm trúng tuyển (tổ hợp 3 môn, chưa nhân hệ số) vào ngành học từ 27 điểm trở lên.
Mức 2 bằng 100% học phí của học kỳ đầu tiên năm trúng tuyển cho sinh viên có điểm trúng tuyển (tổ hợp 3 môn, chưa nhân hệ số) vào ngành học từ 24 đến dưới 27 điểm. Mức 3 bằng 50% học phí của học kỳ đầu tiên năm trúng tuyển cho sinh viên có điểm trúng tuyển (tổ hợp 3 môn, chưa nhân hệ số) vào ngành học từ 21 đến dưới 24 điểm.
Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ bố trí chỗ ở miễn phí tại kí túc xá cho những sinh viên đạt mức 1 và 2. Với những chính sách thu hút của tỉnh, của nhà trường dành cho học sinh, sinh viên, Trường Đại học Hạ Long đã thu hút được nhiều học sinh có điểm thi THPT cao đăng ký vào học, tạo động lực cho sinh viên phấn đấu học tập trong toàn khóa học, hỗ trợ sinh viên và các bậc phụ huynh về kinh phí học tập, tạo điều kiện để các em chuyên tâm trong học tập.
Sinh viên Trường Đại học Hạ Long vui mừng trong ngày tốt nghiệp.
– Trường Đại học Hạ Long còn có những hoạt động gì để hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp?
+ Để hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo, Trường Đại học Hạ Long đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài tỉnh.
Hàng năm, nhà trường tổ chức Diễn đàn hợp tác nhà trường – nhà tuyển dụng và ngày hội việc làm. Ngay tại diễn đàn, nhiều sinh viên năm cuối của nhà trường đã nhận được lời mời làm việc từ các nhà tuyển dụng, chủ yếu thuộc các lĩnh vực du lịch, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, thủy sản, giáo dục với mức thu nhập cao.
Trường còn tổ chức các phiên tuyển dụng theo đơn đặt hàng từ phía doanh nghiệp theo tính chất đặc thù của đối tác. Tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin về cơ hội việc làm trên các diễn đàn, mạng xã hội giúp sinh viên tiếp cận kịp thời, lựa chọn công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo và khả năng của bản thân.
Để hỗ trợ giải quyết việc làm cho sinh viên, nhà trường đã có các chính sách hỗ trợ đối với sinh viên như: Kết nối với doanh nghiệp, trong thực tập thực tế, khởi nghiệp cho sinh viên tiếp cận làm quen với môi trường làm việc thuận lợi trong xin việc khi ra trường; mời lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia giảng dạy, định hướng cho sinh viên trong công việc khi ra trường.
Cùng với đó, triển khai các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc tuyên truyền, tổ chức các chương tọa đàm, hội thảo, các lớp bồi dưỡng về kiến thức khởi nghiệp; các cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp… Từ đó sinh viên tốt nghiệp ra trường có nhiều cơ hội trong lựa chọn việc làm hơn.
Theo kết quả khảo sát việc làm của sinh viên đại học, cao đẳng sư phạm tốt nghiệp 2019 của chúng tôi, tổng số sinh viên được khảo sát có phản hồi là 256/376. Tổng số sinh viên tốt nghiệp có việc làm là 235/256 sinh viên.
Với mỗi ngành, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cũng có sự khác biệt, có ngành tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 100% như: ngành Khoa học máy tính, ngôn ngữ Trung Quốc, du lịch, sư phạm mầm non… Nhìn chung, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao (ngành có tỷ lệ thấp nhất vẫn đạt 70,6%), phản ánh các ngành đào tạo của nhà trường đáp ứng sát nhu cầu của thị trường lao động.
Đặc biệt, từ năm 2020, Đại học Hạ Long tham gia dự án Moutive (Dự án hỗ trợ việc làm của sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp) được Quỹ Eramus+ của Liên minh Châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2020-2022. Đây là dự án hợp tác xuyên quốc gia chuyển giao năng lực cho các trường đại học ở Việt Nam từ các tổ chức phát triển và các trường Đại học ở Châu Âu.
Nhằm mở rộng sự kết nối giữa chương trình đào tạo của các trường đại học với nhu cầu của xã hội và tình trạng thực tế của thị trường lao động. Thông qua dự án này, Đại học Hạ Long được các tổ chức, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong nước và quốc tế biết đến, tạo cơ hội cho sinh viên được hội nhập thị trường lao động quốc tế, cùng nhiều cơ hội khác.
– Với sinh viên đặc biệt là sinh viên nội trú, nhà trường đã chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho họ như thế nào, thưa Tiến sĩ?
+ Công tác quản lý sinh viên nội trú được nhà trường đặc biệt quan tâm, cơ sở vật chất được đầu tư mới, ký túc xá khang trang, sạch sẽ, đồng bộ. Nhà trường phối hợp với Công ty Trường Minh đầu tư và quản lý các hoạt động sinh hoạt của sinh viên, cung cấp các dịch vụ như internet, lắp đặt hệ thống nóng lạnh, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. Công tác chăm lo chỗ ăn, ở của sinh viên được đảm bảo, nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát vệ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, chăm lo đời sống tinh thần cho sinh viên được Đoàn thanh niên, các câu lạc bộ sinh viên triển khai các chương trình theo nhu cầu nguyện vọng chính đáng của sinh viên. Hằng tháng, các câu lạc bộ sinh viên tổ chức các cuộc thi chuyên môn thu hút đông đảo sinh viên tham gia; các thiết chế văn hóa, thể thao được phát huy có hiệu quả, nhiều giải thi đấu thể thao được tổ chức góp phần nâng cao thể chất cho sinh viên.
Sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật.
– Được biết, dự án Đô thị Đại học Hạ Long đang được triển khai. Tiến sĩ cho biết khi dự án này thành hiện thực thì sinh viên của Trường sẽ được thụ hưởng những lợi ích gì?
+ Dự án Đô thị Đại học Hạ Long đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chi tiết xây dựng Trường Đại học Hạ Long tại Khu đô thị Chạp Khê, phường Nam Khê (Uông Bí) theo mô hình đô thị đại học hiện đại, nhằm xây dựng Đại học Hạ Long trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của cả nước, hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế.
Sau khi dự án đi vào hiện thực sẽ là địa chỉ đào tạo tin cậy, môi trường học tập thân thiện, sinh viên có đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, phát huy tối đa tài năng trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo, hỗ trợ trực tiếp việc đào tạo và tái đào tạo cho những sinh viên có khả năng tạo việc làm cho chính mình và người khác (đào tạo khởi nghiệp hay đào tạo khởi sự doanh nghiệp), đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho hội nhập (đào tạo công dân kỹ thuật số, công dân toàn cầu) làm chủ kỹ năng nghề nghiệp để điều hành, ứng phó hiệu quả trước những cơ hội, thách thức của nền kinh tế toàn cầu.
– Cảm ơn Tiến sĩ đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)