Sáng 17/10, tại trường ĐH Hạ Long đã phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo: “Liên kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao”.
Nguồn nhân lực du lịch ngày càng khẳng định vai trò lớn khi du lịch được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Thực tế hiện nay cho thấy, dù đã rất nỗ lực cố gắng bắt kịp yêu cầu của xã hội và hội nhập nhưng chất lượng đầu ra của nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn còn yếu về nhiều kỹ năng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh các vấn đề phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ chế, ràng buộc cần thiết giữa cơ sở đào tạo nhân lực và doanh nghiệp. Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công Ty CP du thuyền Đông Dương cho biết: “Khi doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên từ các trường đại học thì chúng tôi phải chuyển sang bước đào tạo lại, đào tạo nghề, quy trình làm việc. Như vậy là rất mất thời gian, công, và chi phí.”
Ông Đặng Nguyên Phúc – Quản lý tại Vinpearl Resort Hạ Long có ý kiến: “Nguồn lực chất lượng cao không chỉ là kỹ năng mà còn là thái độ làm việc. Việc này sinh viên cần được dạy ngay trên ghế nhà trường. Đôi khi sinh viên ra trường chỉ nghĩ rằng tôi chỉ làm việc đủ cho vị trí xin vào nhưng chúng ta cần dạy cho sinh viên tư duy cố gắng 150% để xứng đáng ở những vị trí cao hơn. Đó là những điều nhà trường cần truyền lửa để sinh viên có mục tiêu phấn đấu…”
Để có được nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ chất lượng và bắt kịp xu thế vận động của đất nước và khu vực, các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế khuyến khích và tạo môi trường để gắn kết việc đào tạo nhân lực giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động. TS. Lê Viết Khuyến, Nguyên phó vụ trưởng Vụ Đại học cho rằng: “Làm sao để gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp? Đó là vai trò của nhà nước. Nhưng liên kết phải có 2 tầng, một là liên kết ở tầm hệ thống và hai là liên kết giữa trường và doanh nghiệp. Nếu như không giải quyết được ở vĩ mô mà chỉ ở cấp cơ sở thì vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy chúng tôi mong rằng các cơ quan quản lý ở cấp vĩ mô nên tham gia vào chứ không chỉ dừng lại ở hô hào.”
Hội thảo đã xác định vai trò cần thiết của việc liên kết và cũng là diễn đàn khoa học để các học giả, các chuyên gia về lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch chia sẻ và kết nối để thúc đẩy và tăng cường các hoạt động liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong thời gian tới./.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Văn nghệ chào mừng