Thứ Sáu, 1/5/2020 | 09:02 GMT +7

Ý nghĩa Ngày Quốc tế lao động 1-5

Ngày 1-5 hàng năm được chọn là ngày Quốc tế lao động, Ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Nội dung này được thông qua tại Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, vào năm 1889.

Công nhân công trường Cơ giới hóa khai thác 2, Công ty CP Than Hà Lầm vận hành thiết bị khai thác than. Ảnh: Phạm Hưng (CTV)

Tuy nhiên, bối cảnh hình thành phong trào của giai cấp công nhân lao động mang tính quốc tế đã có từ trước đó. Cụ thể, từ nửa cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh, nhất là ở các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức..

Cùng với đó, công nhân lao động cũng bị bóc lột mạnh mẽ hơn và ngày càng bần cùng hóa, dẫn đến mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc. Tại thời điểm này, hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc tế 1, phong trào đấu tranh của công nhân bùng nổ, đòi quyền lợi về lương và giờ làm việc

Ngày 1-5-1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), Liên đoàn lao động Mỹ tổ chức một cuộc bãi công kết hợp mít tinh, biểu tình trên đường phố, với khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ”. Nhưng ngay sau đó, cuộc đấu tranh bị đàn áp dã man, khiến 9 công nhân bị chết, 50 người bị thương, nhiều người khác bị đánh đập tàn nhẫn.

Khám bệnh cho công nhân tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt. Ảnh Thanh Hằng

Trước tình cảnh này, đến ngày 4-5-1886, một cuộc mít tinh khổng lồ đã diễn ra ở Quảng trường Hay-mác-két để phán kháng hành động đàn áp của cảnh sát. Lấy cớ đó chính quyền mở cuộc khủng bố lớn, hơn 200 người chết và bị thương, nhà tù chật ních những người tham gia đấu tranh.

Vụ tàn sát đẫm máu tại Chi-ca-gô gây nên chấn động lớn, khơi ngòi cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới, đặc biệt tại châu Âu. Kết quả, giới chủ tư bản ở nhiều quốc gia chịu khuất phục, lần lượt chấp nhận yêu sách “Ngày làm việc 8 tiếng” cũng như những yêu sách khác.

Để ghi nhận thành quả này, tại Đại hội thành lập Quốc tế thứ 2 vào ngày 14-7-1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 làm Ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới, hay còn gọi là Ngày Quốc tế lao động.

Tại Việt Nam, từ những tài liệu về chủ nghĩa Mác – Lê Nin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá, giai cấp công nhân đã tìm hiểu về phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, biểu hiện sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế. Ngày 1-5-1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô viết.

Tháng 8-1925, công nhân Nhà máy đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) đã bãi công đòi tăng lương và ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải (Trung Quốc). Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy, đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, một mốc son trong phong trào công nhân Việt Nam.

Nữ CNLĐ làm việc tại Công ty TNHH MTV Nến nghệ thuật AIDI Việt Nam (KCN Cái Lân). Ảnh Dương Trường

Sau khi thành lập vào 3-2-1930, Đảng ta đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công – nông. Phong trào đấu tranh ngày 1-5-1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931.

Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc đoàn kết đấu tranh tỏ rõ sức mạnh vô địch, nghị lực phi thường của khối liên minh công – nông.

Tiêu biểu ở Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy Cưa, Nhà máy diêm Bến Thủy (Nghệ An), hàng nghìn thợ thuyền cùng sát cánh với nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm sưu thuế; cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân Nhà máy sợi Nam Định trong 21 ngày gian khổ cũng góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng lãnh đạo.

Trong cao trào cách mạng 1936-1939, thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Ngày Quốc tế lao động được tổ chức công khai. Đặc biệt là cuộc mít tinh vào 1-5-1938, tại trường Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô), tổng cộng có trên 25.000 người của 25 đoàn khác nhau. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của nhân dân lao động.

Sau khi giành được độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 18-2-1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1-5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta. Ngày 29-4-1946, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 56, quy định công nhân lao động được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế lao động 1-5.

Ngày 1-5-1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam mới, Ngày Quốc tế lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.

Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới…”.

Người nói tiếp “Đối với chúng ta, nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Vũ Đức (Tổng hợp)

 

BÌNH LUẬN