Thứ Sáu, 1/5/2020 | 08:58 GMT +7

Quảng Ninh khắc ghi lời Bác dạy

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm và tình cảm đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Ngoài những chuyến về thăm, Người luôn dõi theo bước phát triển của Vùng mỏ với mong muốn Quảng Ninh sẽ phát triển đẹp, giàu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cô Tô, ngày 9/5/1961. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Từ những ngày tiếp quản Vùng mỏ…

65 năm trước, ngày 23/5/1955, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu đồng bào vùng mỏ Hòn Gai đến chúc mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 65 sinh nhật của Người. Bác đã lắng nghe đồng bào báo cáo tình hình ở Vùng mỏ sau 1 tháng tiếp quản, động viên đồng bào đoàn kết, sớm bắt tay khôi phục sản xuất than, xây dựng cuộc sống mới.

Trước đó, nhân dịp khu mỏ Hòn Gai được giải phóng (25/4/1955) sau thoả hiệp đình chiến vùng tạm thời 300 ngày của Hiệp định Geneve, Bác đã gửi thư cho đồng bào Hồng Quảng. Trong thư, sau khi thân ái gửi lời thăm hỏi đồng bào, Bác đã căn dặn “Anh em công nhân phải bảo vệ hầm mỏ, nhà máy, kho tàng và nâng cao sản xuất. Anh em nông dân phải bảo vệ súc vật, nông cụ… Bà con công thương phải hăng hái kinh doanh… Các nhà văn hoá, giáo dục phải ra sức duy trì việc học hành cho con cháu… Để khôi phục nhanh chóng đời sống bình thường của nhân dân, toàn thể đồng bào hãy đoàn kết chặt chẽ, thi hành đúng chính sách và kỷ luật của Chính phủ, làm đúng mệnh lệnh của Uỷ ban Quân chính… Với quyết tâm của Chính phủ, với sự đồng tâm nhất trí của đồng bào, chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và giành được hoàn toàn thắng lợi”.

Thực hiện lời Bác, công nhân, nhân dân Vùng mỏ đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất than vốn bị đình trệ và nhất là bị chủ mỏ Pháp phá hoại thiết bị, máy móc, hầm lò, đường trục, băng tải… trước khi chúng rút đi. Điển hình là đường trục vận chuyển than ở Đèo Nai. Người Pháp dù đã có đường ôtô lên khai trường, có nhiều xe vận tải lớn nhưng vẫn chọn phương án chuyển than từ đỉnh Đèo Nai xuống bằng hệ thống đường trục với xe goòng kéo tời chạy trên đường ray theo độ dốc lớn vừa rẻ tiền, vừa nhanh và dễ sử dụng. Trước khi tháo chạy, họ đã chặt vụn những cuộn cáp khổng lồ, phá tan hệ thống quang lật, máng ga, băm các cuộn dây mô tơ điện, thậm chí đào cả các trụ bê tông. Khi tiếp quản, có chuyên gia Pháp còn ở lại giúp ta cho rằng, với tình trạng hư hỏng của đường trục vận chuyển than, việc khôi phục sản xuất ở các mỏ phải ít nhất 6 tháng hay vài năm. Nhưng với tinh thần làm chủ, vượt khó, sáng tạo, chỉ sau 20 ngày, công nhân Đèo Nai đã khắc phục xong hệ thống đường trục vận chuyển than, khai thông sản xuất của các mỏ than thuộc vùng Cẩm Phả lúc đó.

Ở Tuyển than Cửa Ông, khi rút đi toàn bộ sơ đồ hệ thống điện cung cấp điện năng cho các tàu điện kéo than cho vùng Cẩm Phả bị tê liệt nhưng cũng chỉ sau ít ngày, bằng sức lao động bền bỉ, quên mình, sự cố đã nhanh chóng được khắc phục để các tàu điện chạy bình thường. Đúng như chỉ đạo của Bác Hồ, dịp kỷ niệm 10 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1955, chuyến than đầu tiên của Khu mỏ Hồng Quảng đã về đến Nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội) và Nhà máy xi măng Hải Phòng.

Những năm đầu thời kỳ khôi phục sản xuất lịch sử ấy, phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa đã ra đời và trở thành cao trào rộng khắp toàn Vùng than. Năng suất lao động tăng dần, chất lượng sản phẩm tốt hơn và tiết kiệm nhiều hơn, vì vậy mà trong những năm khôi phục sản xuất đã đạt sản lượng cao hơn năm 1939 (2,61 triệu tấn) – năm cao nhất trong hơn 70 năm khai thác than ở Quảng Ninh của thực dân Pháp.

Ngày 5/10/1957, nói chuyện với cán bộ, nhân dân khu Hồng Quảng tại sân vận động Hòn Gai, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn Hồng Quảng “trở thành một địa phương kiểu mẫu”. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh

Ngày 5/10/1957, Bác Hồ về thăm khu Hồng Quảng. Nói chuyện với cán bộ, nhân dân khu Hồng Quảng tại sân vận động Hòn Gai, Bác biểu dương “Từ ngày hoà bình lập lại, đồng bào ta đã ra sức cần cù, dốc sức vào việc khôi phục và phát triển kinh tế”. Sau khi góp ý đối với các tổ chức Công đoàn, Thanh niên, Đảng, kết thúc bài nói chuyện, Bác căn dặn “Hồng Quảng là nơi rừng vàng, bể bạc rất phong phú. Hồng Quảng có nhân dân rất cần cù, có rất nhiều thuận lợi, nếu Đảng, chính quyền, công đoàn, thanh niên, mặt trận công tác tốt, nhân dân đoàn kết tốt thì Hồng Quảng nhất định có thể trở thành một địa phương kiểu mẫu và như thế thì đồng bào Hồng Quảng sẽ góp phần xứng đáng vào công cuộc củng cố miền Bắc, tiến dần lên xã hội chủ nghĩa, tranh thủ miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

… đến một Quảng Ninh hôm nay

Sau chuyến thăm khu Hồng Quảng tháng 10/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều lần về thăm Vùng mỏ. Bác đã gợi ý đặt tên cho tỉnh là Quảng Ninh (năm 1963), đặt tên đảo trên Vịnh Hạ Long là đảo Ti Tốp (1962), về ăn Tết với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh (1965), cho phép dựng tượng Người ở Cô Tô và khi sức khoẻ yếu, không về thăm tỉnh được, Bác đã cho gọi đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than và tỉnh Quảng Ninh lên Phủ Chủ tịch để nghe báo cáo về tình hình sản xuất than của Vùng mỏ (1968). Từng ấy thôi để thấy tình cảm Bác dành cho Vùng mỏ nhiều như thế nào.

Khắc ghi, thực hiện lời dạy của Bác, đến hôm nay – 65 năm sau ngày tiếp quản Vùng mỏ 25/4 (1955 -2020), diện mạo Quảng Ninh đã thay đổi hoàn toàn. Từ một tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, với nền kinh tế dựa vào công nghiệp khai thác than là chính, nay Quảng Ninh đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trong đó có trung tâm sản xuất công nghiệp bao gồm: Khai thác than, nhiệt điện, vật liệu xây dựng, đóng tàu, cơ khí chế tạo; là trung tâm du lịch, trung tâm thương mại dịch vụ với các cửa khẩu quốc tế, quốc gia trên bộ, trên biển và hệ thống cảng biển nước sâu.

Hạ Long – thành phố bên bờ Di sản. Ảnh: Hùng Sơn

Không trông chờ vào nguồn ngân sách từ Trung ương, Quảng Ninh đã chủ động, mạnh dạn huy động nguồn lực đầu tư tư nhân để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển. Cuối năm 2018, đầu năm 2019, Quảng Ninh đồng loạt đưa vào khai thác chuỗi dự án giao thông trọng điểm, đánh dấu giai đoạn phát triển mới với những công trình giao thông lần đầu tiên có tại Việt Nam, đó là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long – cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam, cao tốc hiện đại Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn. Đây là những dự án quy mô lớn, hiện đại, được gắn kết chặt chẽ với nhau tạo thành hạ tầng giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh, góp phần đưa Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với khu vực và quốc tế gồm đường bộ – đường biển – đường không.

Tiếp theo các dự án quy mô trên, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn đã được khởi công như tuyến đường bao biển nối Hạ Long với Cẩm Phả nhằm tăng cường kết nối giao thông, du lịch giữa hai đô thị lớn của tỉnh. Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái, đồng thời thu hút đầu tư, đẩy mạnh giao thương quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái.

Kiên trì mục tiêu tăng trưởng xanh, Quảng Ninh đã và đang tạo được sự khác biệt không chỉ với chính mình trong giai đoạn trước, mà còn khẳng định thế cạnh tranh rất lớn đối với các địa phương khác trong cả nước trong quá trình phát triển. Tỉnh cũng là địa bàn thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, phát triển các dự án tầm cỡ, đến nay, tỉnh đã thu hút được vốn đầu tư từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những dự án lớn trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng đến từ các nhà đầu tư hàng đầu trong nước, như Sun Group, Vingroup, FLC, BIM, Tuần Châu… cùng với đó là hiện diện của các tập đoàn lớn trên thế giới, như Wyndham, Starwood, ISC Corp, Amata, Nakheel, Hilton.

Đường xuống mỏ than Cọc Sáu. Ảnh: Dương Phượng Đại

Lấy du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh đã có sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành “công nghiệp xanh” bằng nhiều giải pháp, như phát triển hạ tầng, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào du lịch, chính sách đầu tư cởi mở… đã tạo đà cho du lịch phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, Quảng Ninh đón 12,2 triệu lượt du khách, trong đó 5,2 triệu lượt khách quốc tế – thành tích chỉ kém TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Năm 2019, Quảng Ninh đón 14 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm 2018. Trong đó, khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2018, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 29.487 tỷ đồng.

Không chỉ tăng trưởng về số lượng và doanh thu, thời gian lưu trú của khách du lịch đến Quảng Ninh cũng đã thay đổi tích cực, dao động ở mức 2-3 ngày. Trong đó, khách du lịch quốc tế là 2,8 ngày, chỉ thấp hơn một số địa điểm du lịch quen thuộc như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các địa bàn nghỉ dưỡng đặc thù ở Khánh Hòa, Phú Quốc. Trong năm 2020, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15,5 triệu lượt khách, tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế – xã hội, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch của thế giới cũng như của Việt Nam nói chung, của Quảng Ninh nói riêng. Do đó, mục tiêu trên chắc chắn sẽ không đạt được.

Thực hiện xây dựng tỉnh theo hướng dịch vụ, công nghiệp, Quảng Ninh ngày càng giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện. Đồng thời, tỉnh đã và đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có quy mô lớn, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại, hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Du khách quốc tế tham quan khu vực hồ Ba Hầm trên Vịnh Hạ Long.

Không chỉ Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên, các huyện miền núi vùng cao như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ cũng đang dần chuyển đổi phát triển mô hình kinh tế xanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Trong đó, chú trọng chuyển đổi theo hướng phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao và phát triển bền vững, như: Du lịch, dịch vụ thương mại…

Thu ngân sách của tỉnh tăng theo từng năm. Nếu như năm 2011, Quảng Ninh thu ngân sách nhà nước đạt hơn 29.000 tỷ đồng – mức cao nhất đến năm đó, thì đến năm 2015, con số này tăng lên là 33.350 tỷ đồng (thu nội địa 19.650 tỷ đồng), năm 2018 đạt trên 40.500 tỷ đồng (thu nội địa đạt trên 30.500 tỷ đồng), năm 2019 là 46.546 tỷ đồng (thu nội địa đạt 34.421 tỷ đồng), vượt 19% dự toán Trung ương giao, vượt 13% dự toán HĐND tỉnh giao, đứng thứ 7 toàn quốc.

Cùng với thu ngân sách, hạ tầng giao thông, tới nay Quảng Ninh còn là địa phương nằm trong top đầu cả nước về xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); các lĩnh vực cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị, sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế, xây dựng nông thôn mới, sản phẩm OCOP… Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Ngành Than với tinh thần “Kỷ luật – Đồng tâm” đã vượt qua những giai đoạn khó khăn để ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và ổn định đời sống thợ mỏ.

Quảng Ninh phát triển. Kết quả có được ngày hôm nay là thành quả của quá trình đoàn kết, nỗ lực, cố gắng theo lời Bác dạy, nhưng cũng đầy sáng tạo, mạnh dạn đột phá của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh, có sự kế thừa, bồi đắp qua các thế hệ. Đó cũng là nền tảng để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá vươn lên, xây dựng tỉnh “thành một địa phương kiểu mẫu” như sinh thời Bác hằng mong muốn trong buổi nói chuyện của Người với nhân dân tại sân vận động Hòn Gai, tháng 10/1957.

Đại Dương

 

BÌNH LUẬN